Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cần rút kinh nghiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tốt hơn

Chủ nhật, 04/05/2014 23:14

(Cadn.com.vn) - Chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 3-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, để thông báo nội dung, chương trình Kỳ họp và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại các buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...; đồng thời nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, đề xuất của cử tri để phản ánh trước Quốc hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời gian qua Quốc hội đã có nhiều cố gắng cải tiến, đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường công khai, dân chủ, thể hiện Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, toàn dân góp ý kiến, toàn dân làm việc nước.

Tuy nhiên, dư địa đổi mới của Quốc hội còn nhiều, thực tiễn cuộc sống vận động rất nhanh đòi hỏi Quốc hội phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quốc hội còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, tinh thần của Hiến pháp phải được cụ thể hóa thành luật để sớm đi vào thực tế cuộc sống.

Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến của nhiều cử tri về sự cần thiết đổi mới, cải tiến công tác xây dựng pháp luật, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng, vừa bảo đảm chất lượng, để luật sau khi ban hành, sớm đi vào thực tế cuộc sống. Tổng Bí thư cũng chia sẻ với cử tri, cần tăng cường công tác giám sát tối cao, bảo đảm thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn, việc này cử tri đã nêu nhiều lần, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn.

Trước sự băn khoăn, lo ngại của cử tri về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng lãng phí là vấn đề lớn, rất nhức nhối, bức xúc. Lãng phí nhiều khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng, lãng phí về thời gian, sức lao động, tiền bạc, vật chất, tài nguyên khoáng sản... Trung ương đã chỉ đạo, có nghị quyết, Quốc hội cũng đã có luật, đang được cụ thể hóa, rồi một loạt quy định của Trung ương về rất nhiều việc cụ thể... nhằm tăng cường phòng chống lãng phí. Vừa rồi, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã có bước chuyển biến, nhưng cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Có ý kiến cho rằng, phòng là chính, nhưng khi đã xảy ra rồi thì xử nghiêm cũng là biện pháp để phòng tốt nhất, xử nghiêm để răn đe, ngăn ngừa, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Trao đổi về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, Tổng Bí thư khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn cần phải làm, là bước cụ thể trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, là biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa để cán bộ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, qua thực tế có một số việc cần tổng kết, rút kinh nghiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện tốt hơn, chặt chẽ và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về một số vấn đề xã hội cấp bách mà cử tri nêu, Tổng Bí thư khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm chăm lo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, đặc biệt ở miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng... nhằm cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Sự