Tổng thống Nga cảnh báo trả đũa NATO
(Cadn.com.vn) - Nga cảnh báo, Romania và Ba Lan có thể nằm trong tầm ngắm của tên lửa Moscow do hai nước này cho triển khai các hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ mà Điện Kremlin xem là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
CNN ngày 29-5 đưa tin: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng cảnh báo sẽ trả đũa các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở các nước lân cận như Romania và Ba Lan. Ông chủ Điện Kremlin đưa ra lời cảnh báo này trong cuộc họp báo cuối tuần qua cùng với Thủ tướng Hy Lạp Aleksis Tsipras tại thủ đô Athens, cho thấy, mối quan hệ Nga-NATO đang ngày càng bế tắc.
Hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Deveselu, Romania. Ảnh: AFP |
Đảm bảo an ninh quốc gia
“Nếu hôm qua tại các khu vực ở Romania, mọi người đơn giản không hiểu việc đứng trong tầm ngắm là như thế nào, thì hôm nay chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp nhất định để đảm bảo an ninh”, ông Putin nói đồng thời nhấn mạnh: “Đây cũng sẽ là trường hợp tương tự với Ba Lan – nơi Mỹ đang triển khai hệ thống lá chắn tên lửa thứ hai”. Ông chủ Điện Kremlin không cho biết chi tiết về hành động trả đũa của Nga nhưng nhấn mạnh sẽ không là bên đầu tiên khiêu chiến. “Moscow chỉ sẽ phản ứng khi bị khiêu khích”, nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Bất chấp cảnh báo của Nga, một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania đã đi vào hoạt động từ ngày 12-5. Lầu Năm Góc nhấn mạnh, hệ thống này, được đặt tại Deveselu thuộc miền nam Romania, sẽ giúp bảo vệ các thành viên NATO chống lại mối đe dọa của những tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung từ các quốc gia hiếu chiến như Iran và không nhằm mục tiêu tên lửa của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng, các tên lửa của Mỹ đặt ở ngay cửa ngõ của Nga là nhằm dễ dàng đánh phủ đầu Moscow khi có chiến tranh. “Chúng tôi lặp đi lặp lại một câu thần chú mà chúng tôi sẽ buộc phải có phản ứng... Không ai muốn nghe chúng tôi. Không ai muốn tiến hành các cuộc đàm phán với chúng tôi”, ông chủ Điện Kremlin nói.
Nga-NATO liệu có chiến tranh?
Mỹ đặt một hệ thống lá chắn ở Ba Lan, và hôm 13-5 lại tiến hành động thổ xây dựng hệ thống thứ hai ở Redzikowo, chỉ một ngày sau khi hệ thống ở Romania đi vào hoạt động. Trạm phòng thủ tại Ba Lan gồm hệ thống 24 tên lửa SM-3 cùng các hệ thống phòng không khác.
Động thái này càng khiến Moscow rất tức giận khi nhận định hệ thống này là mối đe dọa an ninh quốc gia khi nó chỉ nằm cách thành phố Kaliningrad của Nga khoảng 250km. Tổng thống Nga đã cảnh báo: “Chúng tôi sẽ chờ đợi cho đến khi Ba Lan có hành động nào đó. Chúng tôi sẽ không có hành động nào cho đến khi thấy tên lửa ở khu vực nước láng giềng”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski ngày 29-5 tiếp tục trấn an Nga khi tuyên bố, lá chắn tên lửa Mỹ được triển khai tại nước này không đặt ra mối đe dọa nào đối với an ninh của Nga. “Tổng thống Putin nên hiểu, hệ thống lá chắn ở Ba Lan không liên quan đến an ninh Nga. Hệ thống này là nhằm bảo vệ Châu Âu khỏi một cuộc tấn công tên lửa từ Trung Đông”, ông Waszczykowski nói. NATO cũng khẳng định, các tên lửa không thể sử dụng để tấn công vì chúng không có thuốc nổ và được thiết kế để đơn giản như là “cú đấm” mục tiêu trên bầu trời. Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho rằng, “Nga biết rõ, hệ thống lá chắn tên lửa của chúng tôi chỉ mang tính phòng thủ và không phải thiết kế nhằm chống lại Moscow”.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ thăm Ba Lan vào hôm nay (30-5) và hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda, trong đó chủ yếu bàn về việc triển khai hệ thống tên lửa ở đây – động thái càng như đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ đang căng thẳng với Nga. Những động thái của NATO cùng tuyên bố mạnh mẽ của ông Putin làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, khả năng này là rất thấp bởi cả Nga và liên minh quân sự này đều không muốn rơi vào một cuộc đối đầu vũ trang.
Khả Anh