Tổng thống Obama “chào tạm biệt” nước Mỹ
(Cadn.com.vn) - Mạnh mẽ vào những thời điểm cần thiết và mềm yếu khi đến điểm cao trào, trong bài diễn văn tạm biệt tại quê nhà Chicago, Tổng thống Mỹ Barack Obama tìm cách trấn an một quốc gia đang trên đà chứng kiến những thay đổi kinh tế nhanh chóng, các mối đe dọa an ninh liên tục và cuộc bầu cử gây tranh cãi đưa tỷ phú Donald Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
Tổng thống Barack Obama chào tạm biệt sau khi kết thúc bài phát biểu chia tay |
Vào tối 10-1 (sáng 11-1, giờ Việt Nam), trong bài diễn văn phát biểu chào tạm biệt nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân đứng lên vì các giá trị Mỹ và không phân biệt đối xử trong bối cảnh Nhà Trắng chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực vào ngày 20-1 tới. Bài phát biểu đầy cảm xúc của ông Obama bắt đầu bằng lời cảm ơn gia đình và nhấn mạnh, khoảng thời gian làm tổng thống là đáng tự hào nhất cuộc đời ông. Vị tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm lau nước mắt khi nói về vợ và cảm ơn người bạn đồng hành của mình.
Trong bài diễn văn đánh dấu khép lại 2 nhiệm kỳ làm người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Obama thúc giục người dân nắm bắt tầm nhìn về những bước phát triển suốt 8 năm cầm quyền của ông, trong khi cự tuyệt một số chính sách mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng.
“Vậy chúng ta, là những công dân Mỹ, phải tiếp tục cảnh giác chống xâm lược từ bên ngoài, phải nỗ lực chống lại sự suy yếu của các giá trị đã làm nên chúng ta”, ông Obama nói trước 18.000 người tham dự ở quê nhà Chicago. Tổng thống đắc cử Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20-1 tới, đề xuất tạm thời cấm người Hồi giáo vào Mỹ, xây dựng bức tường trên biên giới với Mexico, chấm dứt thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu và bãi bỏ luật cải cách y tế của ông Obama – Obamacare.
Trong bài phát biểu chia tay, ông Obama ý thức rõ vị trí của mình là không thay đổi và cho biết sẽ không ngừng nỗ lực để duy trì các giá trị của Mỹ. “Đó là lý do tại sao tôi phản đối việc phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo ở Mỹ”, ông nói trong tràng vỗ tay lớn khi ý kiến này rõ ràng nhằm ám chỉ đến ông Trump.
Vị tổng thống Mỹ rất được lòng dân này cũng cho rằng, hành động mạnh mẽ là cần thiết để chống lại sự nóng lên toàn cầu. “Nếu một ai đó có thể đưa ra kế hoạch tốt hơn để cả thiện hệ thống chăm sóc y tế như chúng tôi đã làm, tôi ủng hộ ngay lập tức”, ông Obama nói, rõ ràng nhằm thách thức và thúc giục người kế nhiệm Trump – nhân vật hôm 11-1 kêu gọi Quốc hội – hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát - bãi bỏ chương trình Obamacare ngay lập tức.
Tổng thống Obama, nhà lãnh đạo lên nắm quyền với kỳ vọng có thể giúp chữa lành vết thương chia rẽ chủng tộc, đã thừa nhận, đó là một mục tiêu bất khả thi. “Sau cuộc bầu cử, có người nói về một nước Mỹ thời hậu chia rẽ chủng tộc”, ông Obama nói đồng thời nhấn mạnh, “Một tầm nhìn như vậy, dù là rất tốt nhưng chưa bao giờ thực tế”. Tuy nhiên, ông Obama bày tỏ hy vọng về những thành công của thế hệ trẻ trong vấn đề này. “Vâng, chúng ta có thể”.
Trong một tuyên bố rõ ràng nhằm vạch ra đường hướng cho đảng Dân chủ sau khi để thua phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Obama kêu gọi đảng này tìm kiếm công lý không chỉ cho mình mà còn cho “những người đàn ông da trắng trung niên ở bên ngoài” - (ông Trump đã chiến thắng nhờ một phần đã lôi kéo được những cử tri nam da trắng thuộc tầng lớp lao động).
Nói về hai đối thủ đáng gờm Nga và Trung Quốc, Tổng thống Obama cho rằng, cả hai nước này sẽ không sánh kịp Mỹ chừng nào nước này tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc trong Hiến pháp Mỹ. Ông giải thích, nếu tình trạng tôn trọng pháp quyền bắt đầu giảm đi trên thế giới, khả năng xảy ra chiến tranh bên trong các nước hoặc giữa các nước sẽ tăng mạnh, thậm chí đe dọa tự do của Mỹ.
Khả Anh