Tổng thống Obama dưới áp lực Syria
(Cadn.com.vn) - “Canh bạc” Syria có thể khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama mất đi rất nhiều: danh tiếng và sự nghiệp “ít tì vết”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng như các nhà lãnh đạo khác trên thế giới trong quyết định tấn công quân sự nhằm vào Syria. Nhiều nhà lãnh đạo lo sợ, việc tấn công Syria sẽ làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu và đẩy giá dầu lên cao chót vót.
Trong ngày họp bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại St Petersburg (Nga), ông Putin và người đồng cấp Obama chào đón nhau bằng một nụ cười khá gượng gạo và một cái bắt tay “kiểu kinh doanh”. Không hề có cái bắt tay mạnh mẽ hay cái ôm chặt giữa hai Tổng thống Nga – Mỹ, dấu hiệu rõ ràng về sự căng thẳng giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Obama tại Hội nghị G20. Ảnh: Reuters |
BỊ “CÔ LẬP” TẠI G20
Bài toán Syria tiếp tục làm lu mờ các cuộc thảo luận làm thế nào để vực dậy tăng trưởng kinh tế của G20 - vốn chiếm 2/3 dân số thế giới. Cuối cùng, lãnh đạo các cường quốc thế giới cũng không thể tạo được bước đột phá nào khi Washington cáo buộc Moscow “bắt cóc” HĐBA LHQ làm “con tin” trong vấn đề Syria.
Tại G20, Tổng thống Mỹ bị “cô lập” khi cả Nga, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Đức giáo hoàng Francis (trong bức thư gửi đến G20) đều cảnh báo về sự nguy hiểm của sự can thiệp quân sự ở Syria mà không có sự chấp thuận của HĐBA LHQ. “Hành động quân sự sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá dầu – Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc nói. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thì tuyên bố, bất kỳ hành động quân sự nào cũng cần phải có sự ủng hộ của HĐBA LHQ. “Chúng ta hãy nhớ: Không có giải pháp quân sự”, ông nói.
Mặc dù Tổng thống Obama khẳng định, ông có quyền ra lệnh tấn công vào Syria ngay cả khi Quốc hội phủ quyết, các trợ lý Nhà Trắng cho rằng, điều này gần như là không tưởng. Bởi lẽ một hành động tấn công mà không có sự chấp thuận của HĐBA LHQ, không có đồng minh Anh, không có Quốc hội và không nhận được sự ủng hộ của người dân Mỹ, Tổng thống Obama có thể sẽ trở thành “kẻ tội đồ” chiến tranh.
NHƯNG KHÔNG CÓ ĐƯỜNG LUI?
Tổng thống Obama và các cố vấn của ông xem quyết định hành động quân sự chống lại Syria như một bước ngoặt tiềm năng mà hiệu quả có thể xác định chính sách đối ngoại cho “trận chung kết” 3 năm cuối cùng trong 2 nhiệm kỳ tổng thống.
Nhà Trắng tuyên bố vẫn chú tâm vào việc tổ chức hội nghị hòa bình Geneva II về Syria. Nhưng rõ ràng, một khi ông Obama không ngần ngại dùng G20 vận động các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ tấn công Syria, tức là ông dường như không còn đường lui. Vì thế, Tổng thống Obama sẽ miễn cưỡng ra lệnh hành động cho dù kết quả thế nào đi chăng nữa. Đó là lý do vì sao ông Obama dám chắc với các nhà lãnh đạo G20 rằng, chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường các lệnh cấm của quốc tế đối với việc sử dụng các loại vũ khí này.
Theo báo New York Times ngày 6-9, Tổng thống Obama yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ mở rộng danh sách các mục tiêu tấn công tại Syria. Nhà Trắng cũng tuyên bố đã chọn xong các mục tiêu tấn công ở quốc gia Trung Đông này. Trong đó, Mỹ có thể sử dụng các loại máy bay ném bom hạng nặng như B-52 hay B-2 để không kích Syria. Từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải, Mỹ sẽ bắn khoảng 200 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu tại Syria. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ sẽ thực hiện một chiến dịch không kích quy mô trong vài ngày.
Khả Anh
NGA ĐIỀU TÀU CHIẾN CHỞ “HÀNG ĐẶC BIỆT” TỚI SYRIA
Interfax dẫn một nguồn tin từ Bộ Chỉ huy Hải quân tại thành phố Saint Petersburg của Nga ngày 6-9 cho biết, tàu đổ bộ cỡ lớn Nikolai Filchenkov chở “hàng đặc biệt” đang trên đường tới Syria. Tuy nhiên, nguồn tin không nói rõ đó là loại hàng gì.