Tổng thống Trump gây sốc khi “đóng cửa” với Châu Âu

Thứ sáu, 13/03/2020 11:15

Tổng thống Donald Trump ngày 12-3 bất ngờ ra tuyên bố về lệnh cấm tất cả hoạt động đi lại từ Châu Âu vào Mỹ nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 vốn đang gây ra những khủng hoảng chính trị xã hội chưa từng thấy, hoảng loạn lan rộng và một thị trường tài chính hỗn độn.

Tổng thống Donald Trump phát biểu từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng về dịch bệnh Covid-19, trong đó có lệnh cấm nhập cảnh từ Châu Âu.

Theo thống kê mới nhất của AFP, hơn 124.000 người trên thế giới đã nhiễm SARS-CoV-2 với 4.500 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh ở Trung Đông và Châu Âu, nhất là Italia vẫn hết sức khó lường với tốc độ lây lan nhanh chóng, trong khi ở Trung Quốc tình hình đã dần ổn định.

Châu Âu chỉ trích

Theo AFP, trong một bài phát biểu trên truyền hình từ Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ông Trump nhấn mạnh: “Để ngăn các ca nhiễm mới vào Mỹ, chúng ta sẽ ngừng tất cả hoạt động đi lại từ Châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày tới”.

Tổng thống Trump cho biết, lệnh cấm nhập cảnh quyết liệt này có hiệu lực từ ngày 13-3. Theo ông, các nước Châu Âu đang ghi nhận số ca nhiễm tăng do chính phủ các nước thất bại trong việc ngăn các chuyến bay đi từ Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng nổ dịch bệnh. Bộ An ninh nội địa Mỹ sau đó cho biết thêm, lệnh cấm nhập cảnh Mỹ cũng bao gồm tất cả người nước ngoài từng đến khu vực Schengen trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, ông tạm thời để Anh, một đồng minh, là nước ngoại lệ với lệnh cấm này. Tức là, những người vào Mỹ từ Anh vẫn sẽ được nhập cảnh. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo các công dân nước này cân nhắc lại việc du lịch nước ngoài.

Tuyên bố này ngay lập tức khiến các thị trường chứng khoán tiếp tục đà “đỏ lửa” khi các nhà đầu tư băn khoăn về tác động kinh tế đáng sợ của đợt bùng phát dịch bệnh trên khắp thế giới. Châu Âu cũng bất ngờ và chỉ trích mạnh mẽ quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Các quan chức Châu Âu cho biết họ không được thông báo trước về quyết định cấm nhập cảnh này. Một nhà ngoại giao EU chỉ trích Washington đã không phối hợp với liên minh này trước khi đưa ra lệnh cấm. EU cảnh báo “gián đoạn kinh tế” do lệnh cấm đi lại của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Charles Michel cho biết, EU sẽ sớm đánh giá lệnh cấm hoạt động đi lại đối với EU lần này nhằm “ngăn chặn sự gián đoạn của kinh tế”.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump trấn an dư luận, cho rằng, thương mại sẽ không bị ảnh hưởng bởi những hạn chế đi lại 30 ngày từ Châu Âu. Trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: “Biện pháp hạn chế áp dụng với người chứ không cấm hàng hóa”. Tuyên bố này đi ngược lại những phát ngôn ông đã đưa ra trong bài phát biểu trước đó: “Những lệnh cấm này sẽ không chỉ áp đặt với lượng giao thương và hàng hóa đồ sộ mà còn nhiều thứ khác khi chúng tôi thông qua. Chúng tôi đang thảo luận về mọi thứ di chuyển từ Châu Âu tới Mỹ”. “Đây là nỗ lực tích cực và toàn diện nhất để đối đầu với virus trong lịch sử hiện đại”, ông Trump nói, sau khi bị chỉ trích vì phản ứng của ông cho đến nay.

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo toàn cầu vào hôm 11-3 khi chính thức tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm rằng: “Đại dịch không phải là để sử dụng một cách dễ dàng hay bất cẩn. Đó là một từ mà nếu bị lạm dụng có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý hoặc sự chấp nhận một cách vô lý rằng cuộc chiến đã kết thúc, dẫn đến đau khổ và chết chóc không cần thiết”. Ông nói thêm rằng: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy một đại dịch phát sinh từ một virus Corona. WHO đã ở chế độ phản ứng đầy đủ kể từ khi chúng tôi được thông báo về các trường hợp mắc bệnh đầu tiên”. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh, việc mô tả tình hình hiện nay như một đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do SARS-CoV-2 gây ra, và điều này không thay đổi những gì mà tổ chức đang làm và các quốc gia cần làm.

Trước tuyên bố của WHO, nhiều nước tiếp tục áp đặt lệnh cấm đi lại. Saudi Arabia ngày 12-3 thông báo tạm thời ngừng các chuyến đi của công dân và cư dân ra nước ngoài, đồng thời ngừng toàn bộ chuyến bay với một số quốc gia. Riyadh cho biết, quyết định trên áp dụng với Liên minh Châu Âu (EU), Thụy Sĩ, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Philippines, Sudan, Ethiopia, Nam Phi, Eritrea, Kenya, Djibouti và Somalia. Ngoài ra, nước này cũng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các quốc gia nêu trên. Hiện Saudi Arabia đã ghi nhận 45 ca nhiễm virus Corona chủng mới SARS-CoV-2.

Hàn Quốc cũng mở rộng áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt với một số nước Châu Âu. Theo đó, trong buổi họp báo sáng 12-3, Ủy ban Phòng chống Tai nạn và Quản lý An toàn Trung ương do Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun trực tiếp chỉ đạo cho biết sẽ áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt đối với những hành khách đến từ 5 quốc gia là Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan, bắt đầu từ 0 giờ ngày 15-3.

Bên cạnh đó, những hành khách xuất phát từ Châu Âu, quá cảnh tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Moscow (Nga) rồi nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn được phân loại là hành khách bay thẳng và phải áp dụng quy trình nhập cảnh đặc biệt.

KHẢ ANH

Trung Quốc tuyên bố vượt qua giai đoạn đỉnh điểm

Ngày 12-3, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc Mễ Phong trả lời họp báo cho biết, nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm leo thang của dịch Covid-19.

NHC ngày 12-3 thông báo đã ghi nhận thêm 15 ca nhiễm mới trong ngày 11-3, giảm 24 ca so với 1 ngày trước, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này tính đến hết ngày 11-3 là 80.793 người. Theo NHC, số ca tử vong là 3.169 người, thêm 11 ca so với 1 ngày trước. Trong khi đó, tại tâm dịch ở tỉnh Hồ Bắc đã ghi nhận thêm 10 ca tử vong trong ngày 11-3, với 7 bệnh nhân ở thủ phủ Vũ Hán của tỉnh này. Một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng nước này sẽ có biện pháp mạnh để làm bình ổn hoạt động ngoại thương, nhưng cảnh báo nguy cơ đối mặt với tình trạng tăng trưởng không ổn định do sức ép gia tăng lên nền kinh tế toàn cầu.

--------

Tây Ban Nha: Một bộ trưởng mắc Covid-19

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 12-3 thông báo, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và đã được cách ly cùng với “người tình" của bà là Phó Thủ tướng kiêm lãnh đạo đảng Podemos - ông Pablo Iglesias.

Thông báo của Chính phủ Tây Ban Nha cho biết: "Sáng nay, tất cả thành viên của Chính phủ sẽ được xét nghiệm". Kết quả sẽ được công bố ngay trong ngày. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ chủ trì một cuộc họp nội các trong ngày 12-3 với thành phần chỉ có các bộ trưởng bắt buộc phải có mặt để thông qua các biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Tất cả các cuộc họp khác sẽ được tổ chức trực tuyến.

T.N

--------

TRUYỀN THÔNG IRAN CÔNG BỐ DANH SÁCH QUAN CHỨC NHIỄM BỆNH

Ngày 12-3, hãng thông tấn Fars của Iran xác nhận, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran, ông Eshaq Jahangiri đã mắc bệnh Covid-19.

Ngoài ra, Fars cũng công bố bản danh sách gồm một loạt quan chức Iran mắc Covid-19 hoặc đã tử vong do căn bệnh này. Theo bản danh sách trên, Bộ trưởng Du lịch Ali Asghar Mounesan và thành viên Hội đồng phân xử khẩn cấp, Mohammad Ali Iravani cũng đã nhiễm SARS-CoV-2. Ông Iravani đồng thời là thành viên của văn phòng lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei. Trang mạng Saham News đưa tin, ông Hossein Mohammadi, cũng là một thành viên khác thuộc văn phòng Đại giáo chủ Iran, có thể đã mắc bệnh. Theo người phát ngôn Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ramezan Sharif, đã có 5 thành viên thuộc IRGC tử vong. Theo Al Arabiya, đã có ít nhất 13 nhân vật thuộc chính quyền Iran đã tử vong do căn bệnh nguy hiểm này và 11 người khác đã mắc bệnh kể từ khi dịch bùng phát ở nước Cộng hòa Hồi giáo.

T.V

--------

WTO HỦY HỘI NGHỊ CẤP BỘ TRƯỞNG DO LO NGẠI DỊCH

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng thứ nhất Kazakhstan Alikhan Smailov ngày 12-3 cho biết, Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 12 đã bị hủy do dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu.

Theo dự kiến, hội nghị trên sẽ diễn ra tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan từ ngày 8 đến 11-6. Cũng trong ngày 12-3, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thông báo tạm ngừng mọi sự kiện ở nơi công cộng và đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Viết trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Tokayev nêu rõ: "Chuỗi cung cấp thực phẩm và mặt hàng nhu yếu phẩm sẽ không bị gián đoạn. Chúng ta sẽ bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều quan trọng nhất là sức khỏe của người dân chúng ta. Chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn". Cho tới nay, Kazakhstan vẫn chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào mắc Covid-19.    

T.L