Tổng thống Trump trước sức ép chuyển giao quyền lực

Thứ ba, 10/11/2020 11:00

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với áp lực phải hợp tác với nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ khi chính quyền mới nhậm chức vào tháng 1-2021.

Những người ủng hộ ông Trump phản đối ông Biden hôm 7-11.   Ảnh: LATimes

Dõi theo tuyên bố từ GSA

Trong bài viết hôm 9-11, hãng tin AP cho rằng, Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) của chính phủ Mỹ, vốn được giao nhiệm vụ chính thức công nhận ông Biden là tổng thống được bầu chọn, đã bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, người điều hành công việc này do Tổng thống Mỹ Trump chỉ định – bà Emily Murphy hiện vẫn chưa bắt đầu tiến trình và bà cũng chưa được thông báo thời điểm thực hiện nhiệm vụ này. Sự không rõ ràng này làm dấy lên câu hỏi liệu Tổng thống Trump - vốn cho đến nay vẫn không công nhận chiến thắng của ông Biden và từng tuyên bố, cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, có thể cản trở ứng viên đảng Dân chủ thành lập chính phủ mới hay không?

Trước tình thế này, phe Dân chủ đang nỗ lực ra sức ép buộc ông Trump chấp nhận chuyển giao quyền lực. Trên Twitter, Jen Psaki, trợ lý tiến trình chuyển giao quyền lực của ông Biden đăng tải dòng trạng thái nói rằng, an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của nước Mỹ phụ thuộc rất lớn vào việc liệu chính quyền đương nhiệm có phát đi tín hiệu rõ ràng rằng, chính phủ Mỹ sẽ tôn trọng nguyện ý của người dân và thực hiện chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và suôn sẻ hay không?

Ban cố vấn của Trung tâm Chuyển giao quyền lực Tổng thống ở Mỹ cũng đã lên tiếng chính quyền của Tổng thống Trump bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử ngay lập tức và đội ngũ tranh cử của ông nên tận dụng các nguồn lực sẵn có theo Luật Chuyển tiếp quyền lực Tổng thống. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, rất ít khi xảy ra việc một chính phủ tiền nhiệm sẽ gây cản trở cho Chính phủ kế nhiệm. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ xảy ra nhất là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính năm nay.

Kết quả có thể được quyết định tại tòa án?

Sau khi ông Biden được giới truyền thông tuyên bố chiến thắng, Tổng thống Trump vẫn thách thức, nói rằng ông Biden đã “giả mạo là người chiến thắng” và khẳng định cuộc bầu cử “còn lâu mới kết thúc”.

Ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm tuyên bố sẽ tranh chấp kết quả bầu cử trên nhiều mặt. Một cuộc kiểm phiếu lại sẽ được tổ chức ở Georgia, nơi ông Biden chiến thắng với cách biệt rất sít sao, và ông Trump cũng muốn điều tương tự ở Wisconsin. Ông cũng tuyên bố sẽ khởi kiện lên Tòa án Tối cao với cáo buộc gian lận bỏ phiếu nhưng chưa có bằng chứng. Nếu kết quả bầu cử bị thách thức, thủ tục hiện hành yêu cầu các nhóm pháp lý phải đưa sự việc ra các tòa án tiểu bang. Các thẩm phán tiểu bang sau đó sẽ bác bỏ hoặc ủng hộ và ra lệnh kiểm phiếu lại, và các thẩm phán của Tòa án Tối cao sau đó có thể được yêu cầu lật lại phán quyết.

Nếu ông Trump chính thức yêu cầu Tòa án Tối cao giải quyết tranh chấp kiểm phiếu với ông Biden, đó sẽ là lần thứ hai trong lịch sử tòa Mỹ định đoạt ghế tổng thống sau cuộc đua giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và đối thủ phe Dân chủ Al Gore vào năm 2000. Năm đó, ban đầu, nhiều hãng truyền thông tuyên bố ông Gore là người chiến thắng ở Florida, bang sẽ quyết định ai là người chiến thắng. Nhưng sau đó họ rút lại, đánh giá cuộc đua ở bang này vẫn quá gay cấn. Vài giờ sau, họ xác định ông Bush chiến thắng ở Florida, nghĩa là ông đắc cử tổng thống. Ông Gore gọi cho ông Bush để nhận thua. Nhưng các hãng truyền thông lại một lần nữa rút lại tuyên bố, khiến ông Gore gọi lại cho đối thủ để rút lại lời nhận thua.

Ngày 26-11-2000, bang Florida xác định ông Bush là người chiến thắng với cách biệt 537 phiếu. Ông Gore phản đối kết quả, lập luận rằng hàng nghìn phiếu bầu đã không được tính. Ngày 8-12, Tòa án Tối cao bang Florida đồng ý với ông Gore và ra lệnh kiểm lại bằng tay 45.000 lá phiếu đã bị máy đếm từ chối. Ngày 12-12-2000, Tòa án Tối cao Mỹ lần đầu tiên can thiệp vào một cuộc bầu cử tổng thống sau 5 tuần bế tắc hậu bầu cử. Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt, họ ra lệnh Florida dừng kiểm lại phiếu, cho rằng hiến pháp đã bị vi phạm bởi các hạt sử dụng các tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Cuối cùng, ông Bush được công nhận là thắng tại Florida với cách biệt 537 phiếu, đắc cử tổng thống. Ông Gore nhận thua, nói rằng ông không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh đấu đá đảng phái. 

KHẢ ANH