Tổng thống " vô hình" Bouteflika điều hành Algeria như thế nào?

Thứ hai, 11/03/2019 19:00

Đối với nhiều người Algeria, thật khó để hiểu làm thế nào tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 82 tuổi, người bị đột quỵ 6 năm trước và gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc nói năng, lại có thể điều hành đất nước. Và giờ đây, mọi người hoài nghi khi xuất hiện thông báo, ông Bouteflika sẽ tranh cử nhiệm kỳ 5 vào tháng 4 tới bởi ông thậm chí còn không đến đăng ký tranh cử hôm 3-3.

Tổng thống Bouteflika xuất hiện công khai lần cuối vào năm 2014.    Ảnh: BBC

Một làn sóng giận dữ đã kéo học sinh, giáo viên, luật sư và thậm chí các nhà báo xuống đường để phản đối. Họ dường như quyết tâm không chấp nhận tình trạng lãnh đạo liên tục của một tổng thống gần như vô hình. Nhiều người lo lắng rằng, việc không tìm được người kế nhiệm Tổng thống Bouteflika, người lên nắm quyền năm 1999, có thể dẫn đến sự bất ổn nếu ông Bouteflika qua đời trong khi đang tại nhiệm.

Chỉ xuất hiện trên truyền hình

Lần cuối cùng ông Bouteflika xuất hiện công khai là vào năm 2014 khi ông có bài phát biểu cảm ơn người Algeria vì lòng tin của họ đối với sự lãnh đạo của ông sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông đã đề cập đến các kế hoạch "củng cố sự phân chia quyền lực, củng cố vai trò của phe đối lập và bảo đảm quyền và tự do".

Một số người coi đây là một dấu hiệu của những thay đổi chính sách nhằm đảm bảo sự chuyển đổi quyền lực suôn sẻ, nhưng không có bằng chứng nào về điều này và sự xuất hiện của ông Bouteflika kể từ đó cũng ít đi. Người Algeria có thể đã may mắn bắt gặp ông Bouteflika xuất hiện thoáng qua trên truyền hình nhà nước khi ông đến thăm các quan chức nước ngoài, hoặc đến dự lễ khai mạc một công trình mới vào năm 2016. Đoạn phim cho thấy ông ngồi trên xe lăn, trông yếu ớt và mệt mỏi, nhưng đầy cảnh giác.

Nhưng đến năm 2018, đảng của ông Bouteflika đã đẩy ông về phía trước với tư cách là ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm nay. Ông Bouteflika đã đến dự lễ khai trương một nhà thờ Hồi giáo được xây dựng lại và hai trạm tàu điện ngầm ở thủ đô Algiers. Vài tuần sau đó, ông  tham quan công trình xây dựng Nhà thờ Hồi giáo Lớn Algiers, dự án trị giá 2 tỷ USD, được dự tính sẽ trở thành nhà thờ Hồi giáo lớn thứ ba trên thế giới.

Chia rẽ sâu sắc

Tuy nhiên, một lần nữa, Tổng thống Bouteflika, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2014, đã không gặp bất kỳ thách thức khó khăn nào dù không hề thực hiện chiến dịch tranh cử cá nhân.

Vậy tại sao liên minh cầm quyền và phe đối lập không thể đưa ra các ứng cử viên khả thi khác? Trong lịch sử, phe đối lập đã quá chia rẽ, và khi tổng thống già và yếu đi, những tranh giành trong giới cầm quyền, bao gồm cả quân đội, đã làm tê liệt mọi thay đổi chính trị. Mặt trận Dân tộc Giải phóng (FLN) cầm quyền đã lãnh đạo quốc gia Bắc Phi kể từ khi giành được độc lập từ Pháp vào năm 1962, sau cuộc chiến Trong những bình luận gần đây với truyền thông Pháp về các cuộc biểu tình, nhà văn nổi tiếng người Algeria Kamel Daoud cho rằng, giới trẻ của đất nước đang bị "những người lớn tuổi" cướp mất quyền lực.

Di sản của cuộc nội chiến gần đây của Algeria khiến các nỗ lực cải cách bị đình trệ. Cuộc xung đột tàn khốc kết thúc vào năm 2002 và đè nặng lên những người đã chiến đấu cũng như những người lớn lên sau chiến tranh, đến mức một số người dường như sẵn sàng đánh đổi một số quyền tự do của mình chỉ để mong được ổn định.

Hôm 3-3, Tổng thống Bouteflika một lần nữa tuyên bố sẽ đối thoại và cải cách hiến pháp trong trường hợp tái đắc cử. Điểm mới trong tuyên bố lần này là ông hứa sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sớm và ông sẽ không tranh cử thêm lần nào nữa. Trong khi đây có thể là một cơ hội để đảm bảo sự chuyển đổi quyền lực trong hòa bình, vấn đề nhiều người lo ngại là khả năng ông sẽ nhanh chóng từ bỏ quyền lực vì sức khỏe ốm yếu.

AN BÌNH