Tổng tuyển cử ở Anh: Vấn đề kinh tế chi phối từng lá phiếu

Thứ năm, 07/05/2015 08:30

(Cadn.com.vn) - Chính phủ mới của Vương quốc Anh, vốn sẽ ra đời sau cuộc tổng tuyển cử vào hôm nay (7-5), sẽ phải đối mặt với bài toán gây đau đầu nhất: kinh tế.

Ngày 6-5, nhà lãnh đạo 3 đảng chính: Bảo thủ, Công đảng và Dân chủ Tự do cùng các ứng cử viên xuất hiện trước công chúng trong nỗ lực “làm đẹp hình ảnh” cuối cùng trước thềm cuộc bầu cử quan trọng ngày 7-5.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói đùa rằng, phe chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này ở Anh sẽ “không may mắn” khi phải đối mặt với 3 mối lo kinh tế lớn: tập trung vào vấn đề thâm hụt ngân sách của khu vực công, cán cân thanh toán vãng lai và tài chính của các hộ gia đình.

Lãnh đạo 3 đảng chính ở Anh tích cực lấy lòng cử tri trong ngày cuối cùng trước thềm bầu cử ngày 7-5. Ảnh: AFP

Trận chiến” cuối cùng

Theo BBC, trong bài phát biểu cuối cùng trước ngày bầu cử, đương kim Thủ tướng David Cameron của đảng Bảo thủ cho biết, nước Anh đã “mạnh hơn so với 5 năm trước”, nhưng có “nhiều việc cần làm hơn”.

Thủ tướng Cameron, lãnh đạo đảng Bảo thủ vốn giành được 307 ghế trong cuộc bầu cử năm 2010, tiếp tục tấn công vào khả năng của phe thiểu số Công đảng khi nói rằng, đảng này sẽ phải đối mặt với “câu hỏi lớn của sự tin cậy”. Ông Cameron khẳng định, chiến thắng của đảng Bảo thủ là “trong tầm tay” nhưng nhấn mạnh vẫn ưu tiên vấn đề của quốc gia bằng cách làm việc để chính phủ “mạnh và ổn định”. Ông chủ Nhà số 10 Phố Downing hiện tại cho biết, chính phủ của ông đạt được rất nhiều thành tích kể từ năm 2010 nhưng “không hài lòng” với thành tựu giáo dục hiện nay đồng thời muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn về phúc lợi và cải cách trường học.

Trong khi lãnh đạo Công đảng Ed Miliband cam kết sẽ ưu tiên vấn đề việc làm nếu thắng cử, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg khẳng định sẽ tạo ra “sự ổn định và thích hợp” cho nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thăm dò trước bầu cử cho thấy, không đảng nào có khả năng giành đủ đa số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ. Ông Miliband cũng đang nỗ lực “cải thiện” 258 số ghế mà Công đảng giành được trong năm 2010 dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Gordon Brown. Ông nói rằng, cử tri đối mặt với “sự lựa chọn rõ ràng” giữa “một chính phủ đặt ưu tiên quyền lợi người làm việc hoặc “một chính phủ chỉ muốn đặc quyền đặc lợi”.

Đau đầu với bài toán kinh tế

Theo giới quan sát, rõ ràng, vấn đề kinh tế hiện nay đang chi phối từng lá phiếu của cử tri.

Người dân Anh hy vọng, chính phủ mới sẽ có cách tiếp cận cân bằng để giảm tất cả các khoản thâm hụt. Tuy nhiên, cắt giảm quá mạnh trong chi tiêu chính phủ và các hộ gia đình, nếu không đi kèm với sự cân bằng trong thanh toán, có thể giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng, cụ thể là một ngân sách cân bằng tại một số thời điểm trong tương lai.

Nền kinh tế Anh luôn khiến các nhà quan sát nước ngoài ngạc nhiên về khả năng phục hồi. Nước này có sự linh hoạt về kinh tế phụ và kinh nghiệm giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng. Tất cả đang hy vọng chính quyền mới sẽ đủ khả năng để lèo lái con thuyền kinh tế quốc gia. Và vấn đề cần ưu tiên là thâm hụt ngân sách của khu vực công đang ở con số 101.8 tỷ Bảng (5,7% GDP) trong năm 2014 - tăng 3,5 tỷ Bảng từ năm 2013, đưa núi nợ công lên đến 1.600 tỷ Bảng (89,4% GDP). Những thống kê chính là đòn giáng mạnh vào kế hoạch cải tiến lớn trong tài chính công của liên minh đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do.

Ưu tiên thứ hai là giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, trong đó đã tăng đến 97,9 tỷ USD (5,5%GDP) vào năm ngoái, lớn nhất trong điều kiện tuyệt đối và tương đối kể từ năm 1948.

Khả Anh