TP Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp mạnh chống dịch, các ca nhiễm COVID -19 vẫn tăng

Thứ ba, 29/06/2021 11:16

Ngày 28-6, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID -19, trong bối cảnh tình hình dịch trên địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp, thành phố cũng sắp kết thúc 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội đợt 2.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi họp, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, nhận định sau khoảng thời gian đầu giãn cách xã hội, thành phố đã khống chế sự lây lan của 2 ổ dịch lớn tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12). Tuy nhiên, cùng thời điểm trên, TP đối mặt với nhiều ổ dịch mới phát sinh, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao, tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. “Sau hơn một tuần áp dụng Chỉ thị 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm vẫn tăng. Chúng ta cần phân tích toàn diện, khoa học, đánh giá lại các biện pháp đang thực hiện”, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu.

Mở chiến dịch cao điểm truy vết, xét nghiệm rộng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, ngay từ khi phát hiện ổ dịch Nhóm truyền giáo Phục Hưng mang chủng Delta, thành viên của nhóm lại có mặt ở cả 16 quận, huyện, TP đã dự báo về khả năng dịch bệnh sẽ lây lan nghiêm trọng. Mặc dù TP đã nhanh chóng áp dụng Chỉ thị 16 đối với quận Gò Vấp, một phường của Quận 12 và đạt được những hiệu quả nhất định, khống chế sự lây lan từ 2 ổ dịch lớn này. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó lại phát sinh nhiều ổ dịch mới, buộc lãnh đạo TP phải nâng cao, tăng cường, siết chặt hơn nữa bằng Chỉ thị 10.

Sau hơn 1 tuần thực hiện Chị thỉ 10, các ca nhiễm và nghi nhiễm trên địa bàn vẫn tăng. Do đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, ngành y tế đẩy nhanh tối đa tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện của công tác xét nghiệm, trả kết quả xét nghiệm để nâng cao hiệu quả và tốc độ truy vết. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP, đồng thời toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, cố gắng đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất có thể.

Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ công tác truy vết, phát hiện trường hợp dương tính sớm; rà soát lại các khu cách ly tập trung, kiểm tra chặt chẽ trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Đặc biệt, Bí thư Thành ủy quyết định mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm rộng toàn TP.

“Thành phố cần xem xét lại việc tổ chức thực hiện xét nghiệm, trả kết quả. Việc sử dụng test nhanh kháng nguyên được coi là giải pháp giúp phát hiện trường hợp dương tính sớm. Ngay khi nhận kit test nhanh được Chính phủ hỗ trợ, thành phố cần lập tức triển khai thí điểm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người và các quận, huyện”, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.

Vì sao ca nhiễm vẫn tăng mạnh?

Ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết biến chủng Delta là nguyên nhân chính khiến đợt dịch lần này có mức độ lây lan mạnh hơn trước đây. Cụ thể, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra sự lây nhiễm thành từng chuỗi, khó cắt đứt trong thời gian ngắn.

Gần như toàn bộ người trong gia đình có ca nhiễm đều mắc bệnh. Mức độ lây lan của biến chủng này phải nói là rất kinh khủng”, ông Phan Thanh Tâm nói.  So sánh với biến chủng Anh trước đây, Phó Giám đốc HCDC cho biết biến chủng cũ cũng có tốc độ lây lan nhanh, nhưng các chùm ca ngắn, dễ cắt đứt và hầu hết chỉ lây nhiễm khi có mức độ tiếp xúc rất gần. Với khả năng lây lan mạnh của biến chủng Delta, ngành y cùng chính quyền thành phố đã có những biện pháp quyết liệt, chủ động nhưng chưa ngăn chặn, cắt đứt được các chuỗi lây nhiễm. Đại diện HCDC bày tỏ hy vọng với những giải pháp quyết liệt mới như Chỉ thị 10 và một số biện pháp tăng cường, thành phố sẽ sớm giảm được tỷ lệ lây nhiễm thời gian tới.

T.H