TPP - những thách thức chờ đợi

Thứ hai, 10/08/2015 09:05

(Cadn.com.vn) - Các quốc gia tham gia bàn đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải vượt qua rất nhiều thách thức trước khi có thể hoàn tất một thỏa thuận chính thức cuối cùng.

Người ta đang đặt kỳ vọng rất cao vào một thỏa thuận TPP sau khi các bộ trưởng thương mại tập trung tại Hawaii (Mỹ) vào cuối tháng 7 đã giải quyết được vài vấn đề tồn đọng dù không đi đến được một thỏa thuận chính thức. Tuyên bố chung của các bộ trưởng TPP sau cuộc họp trên cho biết, một số vấn đề còn tồn tại là “hữu hạn”. Theo giới chức tham gia đàm phán, các sản phẩm làm từ sữa vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất trong quá trình đàm phán TPP.

Vì vậy, giờ đây, giới phân tích cho rằng, các bên đàm phán cần đặc biệt chú trọng vào các mặt hàng như đường, sữa và vấn đề sở hữu trí tuệ (IP). Australia chiến đấu một thời gian dài để được tiếp cận nhiều hơn với thị trường đường của Mỹ. Trong năm 2005, Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) Australia-Mỹ vẫn tồn tại nhiều hạn chế đối với các Cty đường của Canberra khiến hai bên phải mở lại các cuộc thảo luận. Tại cuộc đàm phán TPP mới nhất ở Hawaii, Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nhấn mạnh: “Vâng, tôi sẽ không ký tên vào TPP nếu không có một cái gì đó cho ngành công nghiệp đường”.

Một vấn đề quan trọng khác là các bên cần tập trung vấn đề “Giải quyết Tranh chấp giữa Nhà đầu tư và Quốc gia” (ISDS), mối quan tâm được đánh dấu bởi  vụ kiện của luật sư Philip Morris đòi Australia bồi thường vì đã vi phạm quy tắc bao bì của một Cty thuốc lá khi có ý định loại bỏ logo của Cty. Và cuối cùng, vấn đề quan trọng chính thức cần giải quyết của một số quốc gia, trong đó có Australia, là IP, đặc biệt là cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong việc bảo vệ dữ liệu dược phẩm.

Đối với New Zealand, việc tiếp cận thị trường sữa thế giới như Mỹ, Canada, Nhật là mối quan tâm chính. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cho biết, các bên đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng một số vấn đề thách thức vẫn còn, kể cả việc tài sản trí tuệ và tiếp cận thị trường cho các sản phẩm sữa. Các quốc gia khác lại quan ngại về lợi thế của hãng Fonterra nổi tiếng của New Zealand, trong đó sản xuất 22 tỷ lít sữa mỗi năm.

Bế tắc ở Hawaii khiến cơ hội TPP được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay trở nên mong manh. Việc chưa thể hoàn tất TPP được xem là thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì ông coi thỏa thuận này là trụ cột kinh tế trong chính sách tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương và là cơ hội để Nhà Trắng cân bằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Vì thế, Mỹ giờ đang ráo riết nỗ lực nối lại bàn đàm phán và hy vọng các vấn đề tồn đọng để có thể được giải quyết bằng 1 cuộc họp nữa.

Áp lực đang đè nặng lên Mỹ và Canada khi hai quốc gia đang đứng trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng. Thách thức là rất lớn, nhất là khi cuộc đàm phán đi đến chặng đường cuối. Các cuộc đàm phán cuối cùng sẽ đòi hỏi các quốc gia phải cân nhắc cẩn thận lợi ích địa chính trị của họ.

Thanh Văn