Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ ba, 26/10/2021 06:54

Sau 1 ngày xét xử sơ thẩm vụ án Trần Thọ (1966, trú TP Đông Hà, Quảng Trị) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đây là vụ liên quan việc nhận số tiền lớn để lo “chạy án” cho một người ở Nghệ An có hành vi phạm pháp bị bắt giữ, điều tra tại 1 tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Công an dẫn giải bị cáo Trần Thọ đến phiên tòa sơ thẩm.

Chi tiền tỷ “chạy án”

Phiên tòa được tổ chức vào ngày 22-10-2021, trước đó đã được ấn định xét xử vào ngày 24-9-2021 nhưng bị hoãn do TP Đông Hà áp dụng giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Tham gia bào chữa cho bị cáo có 3 luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Nhật, Luật sư Trần Đức Anh và Luật sư Võ Ngọc Mậu.

Theo cáo trạng: ngày 27-11-2017, anh trai của anh Ngô Sỹ V. (1995, trú H. Diễn Châu, Nghệ An) là Ngô Sỹ B. cùng với 6 người khác đều trú H. Diễn Châu bị Cơ quan CSĐT CA tỉnh Tây Ninh khởi tố trong 2 vụ án hình sự về các tội: “Vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới” và “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”. Sau đó, các vụ án này được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) để điều tra theo thẩm quyền.

Trong thời gian này, anh V. liên lạc với anh Nguyễn Tiến Phương (1987, trú TP Đông Hà) là bạn quen biết trước đó, chia sẻ về tình cảnh gia đình. Nghe chuyện, anh P. kể có người cậu đang làm ăn ở Bình Phước là Trần Thọ. Qua giới thiệu, anh V. liên lạc và gặp Thọ tại TX Phước Long, tỉnh Bình Phước và nhờ Thọ “chạy án” giúp cho anh B. cùng 6 người trong 2 vụ án trên. Do cuộc sống đang khó khăn, thu nhập không ổn định nên Thọ nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của V. Quá trình chuyện trò, Thọ nói có quen một số lãnh đạo sở tại tỉnh Bình Phước, nhiều người làm việc tại CA, Tòa án, VKS H.Tân Biên, vì vậy, có khả năng “chạy án” giúp như áp dụng biện pháp “bảo lãnh”, xin  giảm nhẹ hình phạt, xin định giá số gỗ bị thu giữ trong 2 vụ án có giá thấp hơn giá thị trường, đồng thời xin lại số gỗ cùng 2 ô-tô và đô-la Mỹ không bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

Đến ngày 22-1-2018, anh V. nói mẹ là bà Phạm Thị B. chuyển vào tài khoản ngân hàng của Thọ 300 triệu đồng. Đến ngày 2-2-2018, anh V. chuyển tiếp 500 triệu đồng, ngày 12-2-2018 chuyển thêm 300 triệu đồng vào tài khoản của Thọ. Tháng 4-2018, Thọ yêu cầu anh V. chuyển 1 tỷ đồng với lý do tiếp tục lo việc “chạy án”. Ngày 5-4-2018, anh V. trao đổi với mẹ và chị Bùi Thị X.T (là vợ anh B.), thống nhất giao tiền cho chị X.T chuyển vào tài khoản của Thọ 1 tỷ đồng.

Cáo trạng nêu rõ sau khi nhận 2,1 tỷ đồng, Thọ không thực hiện “chạy án” như hứa hẹn mà dùng cho mục đích cá nhân. Tháng 8-2018, biết Thọ nhận tiền mà không thực hiện việc “chạy án” như đã hứa hẹn nên anh V. nhiều lần yêu cầu Thọ trả lại tiền. Đến ngày 24-5-2020, anh V. gửi đơn tố cáo đến CQĐT Công an tỉnh Quảng Trị.

Lừa đảo hay chỉ là giao dịch dân sự?

Cũng theo cáo trạng, quá trình điều tra, Thọ khai để “chạy án” đã giao tiền cho 3 cá nhân tại H.Tân Biên khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, qua xác minh không có căn cứ xác định Thọ chuyển tiền “chạy án” cho 3 cá nhân nói trên. Đối với lời khai liên quan ông Trịnh Ng.A (công tác tại H. Tân Biên), Thọ khai đã đưa cho người này 1,3 tỷ đồng để “chạy án” nhưng quá trình điều tra chỉ chứng minh được số tiền 150 triệu đồng ông Ng.A chuyển vào tài khoản Thọ. Theo lời khai của ông Ng.A, đó là tiền đã mượn của Thọ để giải quyết việc cá nhân nhưng Thọ không thừa nhận. CQĐT đã tiến hành đối chất nhưng không có kết quả. Xét thấy hành vi của ông Trịnh Ng.A có dấu hiệu xâm phạm đến hoạt động tư pháp nên VKSND tỉnh Quảng Trị đã chuyển tin báo đến VKSND Tối cao, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị cũng đã chuyển các tài liệu liên quan đến hành vi của ông Ng. A đến VKSND Tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.

Tại phiên tòa, bị cáo Thọ khai đã nhận tổng số tiền 2,1 tỷ đồng từ anh V. và người thân để lo “chạy án” cho anh B.  Tuy nhiên, bị cáo phủ nhận lừa đảo, vì có lo việc. Thực tế cho thấy, sau 3 lần người anh V. và người thân chuyển tiền cho Thọ thì đến 13-2-2018, anh B. được tại ngoại. Nhưng theo anh V., việc anh trai mình được tại ngoại do gia đình tự viết đơn bảo lãnh chứ không phải do bị cáo Thọ “tác động”.  Phía bị hại cho rằng bị cáo Thọ không “chạy án” như lời hứa nhưng sau đó vẫn chuyển tiếp 1 tỷ đồng vì đã chi ra số tiền lớn, lúc này tin tưởng đã hao hụt song vẫn nuôi hy vọng. Đến khi có thông báo về xét xử vụ án anh B., nhà anh V. nghĩ Thọ lừa đảo mới đi tìm đòi tiền.

Tranh luận với đại diện VKS sau khi luận tội, đề xuất mức án 13 đến 15 năm tù đối với bị cáo, cả 3 luật sư bào chữa cho bị cáo đều cho rằng đây là thỏa thuận, giao dịch dân sự giữa Thọ và anh V. cùng người thân. Có 2 luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ tin nhắn với người tên là Trịnh Ng.A; làm rõ người đàn ông xuất hiện trong bản ghi âm gồm có cả anh V., bị cáo Thọ… Riêng Luật sư Võ Ngọc Mậu đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Thọ không phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết thúc phần đối đáp, tranh luận tại phiên tòa, HĐXX nghị án và quyết định tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo đó, cần làm rõ mục đích chiếm đoạt và hành vi gian dối của bị cáo trước khi nhận số tiền trên.

Bảo Hà