Trả lại đúng tên cho ngày khai giảng!

Thứ hai, 31/08/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - 1. Có lẽ, đối với thế hệ học trò ngày nay, cảm xúc bồi hồi, náo nức trong ngày khai giảng đã vơi đi rất nhiều. Trong suy nghĩ các em, ngày khai giảng không khác gì lễ chào cờ. Khác chăng, hôm đó cờ hoa, bong bóng rợp sân trường, có đại biểu về dự và có hình ảnh... đón các em học sinh (HS) đầu cấp! Mặc dù, ai cũng biết đó cũng chỉ là hình thức. Bởi hai hoặc ba tuần trước đó, nghi thức này đã được nhà trường tổ chức dưới hình thức lễ chào cờ đầu tiên của năm học mới và từ thời điểm đó, các em chính thức bắt đầu việc học chính khóa với thời khóa biểu, chương trình dày kín...

Có không ít HS THPT khi được hỏi cảm giác ngày khai giảng như thế nào đã cho biết, các em thấy quá hình thức. Có em thẳng thắn hơn cho rằng, nên thay đổi cách định nghĩa từ “khai giảng”, bởi lẽ, ngày khai giảng hôm nay không còn đúng như định nghĩa các em từng được biết trước đó. Đối với HS bậc tiểu học, đặc biệt là trẻ vào lớp 1 chưa hiểu gì về khái niệm này thì ngày 5-9 là ngày “được đi khai giảng lại”. Khái niệm ấy khiến không ít người lớn “ớ người”, chẳng biết giải thích với trẻ như thế nào cho đúng, cho phải...

HS lớp 1 Trường TH Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) trong lễ chào cờ  năm học mới 2015-2016
(ngày 24-8).

2. Có nhiều lý do khiến ngày khai giảng hôm nay không còn đúng bản chất vốn có. Nguyên nhân chính là do khí hậu biến đổi thất thường, chương trình học thì quá nặng, quá nhiều. Có địa phương khi mùa mưa đến, HS phải nghỉ học vì địa hình bị chia cắt do mưa lũ gây ra; lại có địa phương mùa đông về rét cóng, HS không thể đến trường... Thêm vào đó, vài năm trở lại đây, quy định Nhà nước về nghỉ lễ, Tết dài hơi hơn so với trước đây...

Trong khi đó, chương trình học thì quá nặng, quá tải. Vì thế, sau những ngày phải nghỉ học do thời tiết, thiên tai..., các trường phải sắp xếp thời gian để bố trí cho HS học bù mới mong đuổi kịp chương trình. Nói cách khác, việc tổ chức học trước ngày khai giảng là nhằm để giúp nhà trường chủ động hơn trong việc tổ chức dạy học theo đúng chương trình khung đã được đề ra...

Câu chuyện được đặt ra ở đây là: Thời tiết, khí hậu biến đổi thất thường, chúng ta không thể làm gì khác được, nhưng nếu vì chương trình quá nặng, quá tải thì vẫn có thể cắt giảm, tại sao không? Nếu chưa thể làm được điều này, nên chăng, Bộ GD-ĐT cần tổ chức họp bàn, lấy ý kiến từ các cơ sở trường học, từ các nhà quản lý GD trong cả nước, các nhà chuyên môn để cùng thống nhất chọn và đổi lại thời gian khai giảng cho phù hợp với chương trình khung đã đề ra. Dù rằng, để thay đổi một ngày đã gần như mặc định, đi vào trong tâm thức của không biết bao nhiêu thế hệ học trò là điều không hề đơn giản, nhưng khó mấy cũng phải làm! Bởi lẽ, trả lại đúng tên gọi, đúng bản chất của ngày khai giảng chính là trả lại niềm tin cho học trò, để chúng không nghĩ đang sống trong một xã hội quá hình thức, đến cả ngày khai giảng cũng không đúng như những gì đã được biết, được hiểu...

3. Có một thực trạng đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây là, có địa phương, có trường học vì muốn mời được lãnh đạo về dự nên phải phụ thuộc vào... lịch công tác của lãnh đạo để tổ chức ngày khai giảng. Thế mới có chuyện, có trường học tổ chức khai giảng vào ngày 3-9, lại có trường tổ chức vào ngày 4-9...

Tại lễ tổng kết năm học 2014-2015 được tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức ngày khai giảng. Phó Thủ tướng cho rằng, ngày khai giảng là ngày của HS, không phải là ngày của người lớn, ngày của lãnh đạo. Vì vậy, năm học mới này, ngành GD-ĐT thống nhất chọn ngày khai giảng chung trong toàn quốc và nếu có thể được thì có thể cùng một thời điểm, các trường học trên phạm vi cả nước cùng hát Quốc ca.

Sau phần đọc thư của Chủ tịch nước, Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, nên kết thúc phần nghi lễ, nhường phần hội lại cho HS. Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ GD-ĐT đã thống nhất ngày khai giảng năm học 2015-2016 trên phạm vi cả nước là ngày 5-9. Tuy nhiên, việc thống nhất lại ngày khai giảng chung này cũng chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Điều cốt lõi là phải trả lại đúng tên gọi cho ngày khai giảng!

Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên có một quyết định dứt khoát vấn đề này. Đừng để câu chuyện HS học hai, ba tuần rồi mới tổ chức khai giảng. Đừng để căn bệnh hình thức ảnh hưởng đến nhận thức của HS ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường!

Khánh Yên