Trả lại không gian, tầm vóc cho một di tích lịch sử
(Cadn.com.vn) - Ngày 2-8, sau khi tổ chức kiểm tra thực địa và họp với các ngành, địa phương liên quan đến di tích Cảng quân sự Đông Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính kết luận thu hồi hàng ngàn mét vuông đất để thực hiện điều chỉnh, khoanh vùng bảo vệ di tích, đồng thời thống nhất một số phương án trong đầu tư, tôn tạo thời gian đến. Việc trả lại không gian và đầu tư, tôn tạo xứng tầm cho di tích cấp quốc gia đặc biệt này là tất yếu và là yêu cầu khẩn cấp bởi "hình hài" di tích đã "teo" dần theo thời gian.
Lô cốt nằm trong khu vực di tích bị cỏ dại bao vây. |
Theo sử liệu, trong giai đoạn thực thi chiến lược "chiến tranh cục bộ", đế quốc Mỹ tập trung xây dựng TX Đông Hà không chỉ là căn cứ quân sự nằm ở đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang chiến lược Đường 9 mà còn một hậu cứ vững chắc để thực hiện các chiến dịch "tìm diệt", "bình định" của quân viễn chinh Mỹ và quan chủ lực ngụy trên chiến trường Quảng Trị. Với mục tiêu xây dựng cứ điểm quân sự mạnh nhất của chiến trường Trị Thiên, cuối năm 1965, Mỹ bắt đầu xây dựng công sự, đồn bốt, chuẩn bị hạ tầng, trong đó, xây dựng cảng Đông Hà thành một quân cảng lớn nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hậu cần cho những cuộc hành quân, tác chiến. Đoạn sông từ Cửa Việt kéo lên cảng được Mỹ tăng cường bảo vệ cả hỏa lực và xung lực, hàng ngày cảng Cửa Việt và Đông Hà đón 2 ngàn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược. Vì vậy, trong cuộc chiến cam go của quân và dân Quảng Trị, cầu và cảng quân sự Đông Hà luôn là mục tiêu của các cuộc tấn công của bộ đội chủ lực và du kích của ta. Từ tháng 4 đến tháng 9-1967, chiến sĩ đội 1, Đoàn 126 đặc công hải quân đã đánh 6 trận, làm chìm 10 tàu vận tải của địch. Từ tháng 1 đến tháng 10-1968, dân quân du kích địa phương và Đoàn 126 đã thực hiện chiến dịch phong tỏa tuyến đường thủy từ Cửa Việt lên Đông Hà, đánh chìm 78 tàu địch, phá hủy một khối lượng phương tiện chiến tranh và làm tắc nghẽn giao thông nhiều ngày. Từ năm 1969 đến năm 1971, du kích Đông Giang và bộ đội địa phương nhiều lần tập kích đánh chìm và bắn cháy tàu, thuyền của địch trên sông Hiếu và khu vực cảng, góp phần đánh bại "chiến tranh cục bộ" của Mỹ trên chiến trường Quảng Trị.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, sau khi cụm cứ điểm Đông Hà bị tiêu diệt, cảng quân sự Đông Hà nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền cách mạng và trở thành một trong những nơi tập kết, giao nhận hàng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, trước khi chuyển vào chiến trường miền Nam. Xác định vị trí, vai trò quan trọng của cảng này, ngày 1-3-1973, Hội đồng Chính phủ ra lệnh lập Ban lãnh đạo Cảng Đông Hà nhằm chỉ đạo xây dựng cảng thành nơi trung chuyển hàng hóa giữa tuyến vận tải thủy theo đường Hồ Chí Minh trên biển với tuyến vận tải bộ bằng cơ giới theo đường Trường Sơn. Hàng vạn tấn vũ khí, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hậu phương miền Bắc đã qua Cảng Đông Hà để vào chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Sau năm 1975, cảng được sử dụng phục vụ phát triển kinh tế nhưng quy mô nhỏ...
Năm 1986, Cảng quân sự Đông Hà đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng quốc gia; đến năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ công nhận di tích quốc gia đặc biệt, do hiện trạng đất đai khoanh vùng di tích cảng đã có nhiều biến động so với hồ sơ di tích quốc gia năm 1986 nên cũng chỉ mới hoàn thành hồ sơ khoa học cho di tích, còn hồ sơ pháp lý, nhất là bản đồ và biên bản xác định khoanh vùng bảo vệ của di tích thì chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, do yêu cầu phát triển KT - XH địa phương, một phần lớn diện tích đất của cảng được giao cho một số tổ chức quản lý, sử dụng vào các mục đích khác nhau. Tháng 5- 2015, hơn 7 ngàn m2 còn lại tiếp tục được UBND tỉnh cho Cty TNHH MTV Cảng Cửa Việt thuê sử dụng làm văn phòng, nhà kho, bãi bê-tông và đất kinh doanh, với phương án sẽ thu hồi diện tích này khi dự án khoanh vùng bảo vệ di tích và Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Trị đi vào hoạt động... Từ đó đến nay, cỏ dại, công trình, bến bãi... gần như "nuốt" gọn di tích, chỉ còn mỗi một lô cốt "trơ gan cùng tuế nguyệt" và lặng lẽ giữa nhộn nhịp của đô thị đang phát triển...
Trên cơ sở kiểm tra thực địa và nghe ý kiến các ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị kết luận thu hồi một số diện tích, trong đó có hơn 7 ngàn m2 đất đã cho Cty TNHH MTV Cảng Cửa Việt thuê giao cho UBND TP Đông Hà quản lý. Trong kế hoạch, sẽ đầu tư và tôn tạo khu di tích kết hợp với công viên, bến du thuyền, đảm bảo được 3 công năng có địa điểm đánh dấu di tích; có nơi để người dân tham quan, vui chơi và bến du thuyền phục vụ cho các hoạt động tham quan, du lịch. Kế hoạch này đã thực sự "đánh tan" ngậm ngùi lâu nay và không thể chần chừ thêm nữa.
Bảo Hà