Trả “nợ đời” và đáp nghĩa ân tình

Thứ ba, 13/04/2021 14:00

Sau 14 năm nỗ lực cải tạo để “trả án” chung thân về tội “Giết người”, ông Nguyễn Tấn Đức đã nỗ lực lao động và trở thành điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Có được những thành quả của ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực lao động nghiêm túc, ông còn có sự hậu thuẫn, ủng hộ tuyệt vời của người bạn đời.

Bà Đoàn Thị Hiền là người an ủi, động viên chồng vượt qua khó khan để có được như ngày hôm nay.

Quá khứ lầm lỡ

Bây giờ về xã Giai Xuân hỏi ông Nguyễn Tấn Đức (1969) không ai là không biết, bởi đó là một lão nông làm kinh tế giỏi nổi tiếng trong vùng. Song, ngoài sự ngưỡng mộ về một người làm kinh tế giỏi thì người dân địa phương còn cảm phục ông Đức bởi câu chuyện “ngã ở đâu đứng dậy ở đó” của lão nông này.

Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, nhận thấy đất đai quê vợ màu mỡ, ông Đức từ quê Nghĩa Hoàn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) quyết định lên xã Giai Xuân lập nghiệp. Đến năm 1996, mảnh đất màu mỡ ấy bắt đầu nảy sinh tranh chấp. Trong một lần bảo vệ đất đã được nhà nước cho nhận khoán, ông Đức ẩu đả với nhóm 5 người, khiến 1 người chết, 2 người khác bị thương. Hậu quả, ông Nguyễn Tấn Đức bị kết án tù chung thân về tội “Giết người”.

“Mình sai thì phải trả giá thôi, tôi không có ý kiến gì về bản án vì pháp luật rất công bằng. Tôi chỉ lo cho gia đình, vợ còn trẻ, con còn thơ dại. Một mình bà ấy phải gánh công việc đồng áng và nuôi 4 đứa con nhỏ, không biết sẽ xoay xở thế nào”, ông Đức nhớ lại.

Chồng ngồi tù, bà Đoàn Thị Hiền (vợ ông Đức) như khụy xuống khi vắng bóng trụ cột của gia đình. Phải mất 5 năm, bà Hiền mới có thể bình tâm, đứng dậy thay chồng nuôi con. “Lúc đó, tôi chỉ biết chấp nhận sự thật, gắng gượng làm lụng nuôi các con với niềm tin sẽ có ngày ông ấy được pháp luật khoan hồng mà trở về. Là người phụ nữ, một nách nuôi 4 đứa con trong thời điểm ấy đâu có dễ dàng gì”, bà Hiền trải lòng.

Trong những ngày rơi vào cảnh tù tội, chính người vợ đã tiếp thêm nghị lực và động viên ông Nguyễn Tấn Đức phải cố gắng cải tạo tốt với mong muốn sẽ được ra tù trước thời hạn. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng mỗi năm bà Hiền đều cố gắng dắt các con ra Thanh Hóa, nơi ông thụ án để cha con gặp nhau.

“Những ngày tháng thụ án trong nhà giam, dù là bản án chung thân nhưng tôi chưa một lần mất hy vọng về cuộc sống. Chỉ cần nghĩ đến vợ và những đứa con đang ngày đêm mong ngóng mình trở về, tôi lại có thêm động lực để vực dậy. Đối với tôi, những ngày tháng ấy sẽ là miền ký ức buồn nhưng đầy nỗ lực và niềm hy vọng. Chung thân chưa phải là dấu chấm hết”, ông Đức trải lòng.

Và nhờ sự động viên của cán bộ quản giáo, sự nỗ lực của bản thân trong lao động cải tạo nên ông Nguyễn Tấn Đức được giảm án từ chung thân xuống 20 năm rồi được đặc xá tha tù trước thời hạn. Sau 14 năm, 4 tháng, 14 ngày, bằng sự nỗ lực cố gắng cải tạo tốt, ông Nguyễn Tấn Đức đã trả được “món nợ đời” để về với gia đình.

Ông Nguyễn Tấn Đức chia sẻ về mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi của gia đình với cán bộ Công an địa phương.

Vực dậy và thành công

Trở về nhà với tâm thế là “người có tội”, bản thân ông Đức không tránh khỏi những mặc cảm với gia đình, xã hội. “Cảm giác lúc đó thấy mặc cảm và sợ xã hội xa lánh lắm. Nhưng khi tiếp xúc với cán bộ, với bà con làng xóm, với người thân thì thấy rằng mọi người không hề xa lánh, ghét bỏ gì mình. Tôi cũng xác định, cho dù hoàn cảnh nào thì mình cũng cố gắng làm lại cuộc đời. Làm vì bản thân, vì gia đình và nếu cống hiến được cho xã hội thì càng tốt”, ông Nguyễn Tấn Đức cho biết.

Với suy nghĩ “ngã ở đâu thì đứng dậy ở đó!”, sau một thời gian suy tính, ông Nguyễn Tấn Đức quyết tâm vực dậy kinh tế từ chính ruộng đất của mình. Ông Đức mạnh dạn nhận thầu đất trống, đồi trọc của xã để tiếp tục trồng rừng, phát triển kinh tế theo hướng trang trại. Và sau những ngày tháng chăm chỉ cày cuốc, mô hình trồng trọt, chăn nuôi của ông đã được gây dựng. Hàng chục héc-ta trồng rừng, cây ăn quả lần lượt phát huy hiệu quả kinh tế giúp gia đình ông mỗi năm thu về trung bình khoảng 150 triệu đồng.

Nổi tiếng với mô hình phát triển kinh tế đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình nhưng khi có ai muốn học hỏi là ông luôn hào phóng truyền bí quyết và nhiệt tình hướng dẫn. Với những kết quả đạt được, nhiều năm liền ông được công nhận là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Giai Xuân. Năm 2020, ông Nguyễn Tấn Đức được công nhận điển hình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; được Công an huyện Tân Kỳ công nhận là điển hình tái hòa nhập cộng đồng.

Thiếu tá Phan Văn Vinh- Trưởng Công an xã Giai Xuân, cho biết: “Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, ông Nguyễn Tấn Đức luôn chấp hành tốt pháp luật, nỗ lực phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân thì ông Đức luôn là người đi đầu. Ông là tấm gương điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng”.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Đức bộc bạch về những gì đã qua đối với cuộc đời mình: ngã ở đâu sẽ đứng dậy ở đó, trao yêu thương sẽ nhận lại nụ cười!

DƯƠNG HÓA