Trả tiền mua đất 15 năm trước, đến nay vẫn không có sổ
Thắng kiện cũng như không
Phản ánh với Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, rất nhiều khách hàng cho biết chủ đầu tư tìm mọi cách né tránh, viện đủ lý do để không thực hiện nghĩa vụ giao đất khi người mua đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ nhiều năm qua. Ông Phạm Văn Thọ (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, vào năm 2008 ông ký 4 hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng khu đô thị Phú Mỹ An với Cty 579 và đã trả tiền đất 2,51 tỷ đồng, tương đương 90% giá trị. Đến năm 2018, ông Thọ chuyển nhượng 2 lô trong số này cho bên thứ ba và được chủ đầu tư ký phụ lục hợp đồng sang tên đổi chủ mới. Đối với 2 lô đất còn lại thì mắc kẹt cho đến nay, ông nhiều lần đề nghị sang tên, bàn giao đất theo quy định nhưng chủ đầu tư viện đủ lý do để chây ì, không thực hiện như đã cam kết.
Tính từ thời điểm ký hợp đồng góp vốn là 14 năm vẫn không có sổ đỏ, không được giao đất, vào tháng 8-2022 ông Thọ khởi kiện Cty 579 ra tòa. Hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thọ, buộc chủ đầu tư thực hiện hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng, giao đất thực tế và làm các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng. Ngày 12-10-2022, Chi cục Thi hành án dân sự Q. Ngũ Hành Sơn ra Quyết định số 34/QĐ-CCTHADS cho thi hành án đối với Cty 579, chấp hành viên đã thông báo, tống đạt tất cả các văn bản, thông báo triệu tập phục vụ việc thi hành án nhưng bất thành. Thậm chí sau đó phía chủ đầu tư gửi nhiều văn bản kiến nghị, khiếu nại, tố cáo nhằm trì hoãn việc thi hành án. Đến ngày 11-8-2023 cơ quan thi hành án đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-CCTHADS về cưỡng chế buộc thực hiện công việc, tống đạt quyết định tại trụ sở Cty 579, nhưng phía doanh nghiệp này vẫn tiếp tục không thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Điều khiến nhiều người quan tâm là chỉ 8 ngày sau khi quyết định cưỡng chế có hiệu lực, Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án 3 tháng để nghiên cứu hồ sơ, xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Có quyền tiếp tục cưỡng chế
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết, Luật Thi hành án dân sự luôn khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án, nhưng nếu người phải thi hành án có điều kiện mà không thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Theo quy định, thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp này, đến nay, Cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế, buộc Cty 579 phải tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng, giao đất thực tế, tiến hành thủ tục liên quan đến chuyển nhượng 2 lô đất cho ông Phạm Văn Thọ theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, theo quy định thì Cty 579 phải chấp hành việc thi hành án này. Điều 118 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định, trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành thì chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định. Trường hợp người bị cưỡng chế không thực hiện, cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định phạt tiền và ấn định thời gian 5 ngày làm việc để thực hiện nghĩa vụ, hết thời hạn đó sẽ giao cho người có điều kiện thực hiện hoặc chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
Đối với vấn đề hoãn thi hành án, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. "Trong trường hợp này, 8 ngày sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án thì Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyết định hoãn thi hành án nên cơ quan thi hành án hoàn toàn có quyền tiếp tục cưỡng chế thi hành án theo quy định", luật sư Tuấn trao đổi.
Đông A