Trải nghiệm cùng lực lượng phản ứng nhanh (Kỳ 2: Lên xe với 115)
Liên hệ nhiều lần và phải có giấy giới thiệu trực tiếp từ lãnh đạo đơn vị, chúng tôi mới được sự chấp thuận của bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho phép tham gia tác nghiệp tại hiện trường. Chúng tôi hiểu, đây là công việc đòi hỏi sự cơ động, có tính chất đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống con người, vậy nên mọi tác động ngoại cảnh không cần thiết đều phải gạt bỏ sang một bên.
Lực lượng Cấp cứu 115 tham gia sơ cứu cho ông Võ Văn Vinh tại hiện trường. |
Được sự thống nhất của lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115, một ngày cuối tháng 1-2018, chúng tôi được phép lên xe cùng lực lượng tuần tra 115 chi nhánh Hải Châu để tác nghiệp. 17 giờ, có mặt tại trụ sở chi nhánh Hải Châu trên đường Quang Trung, chúng tôi thấy trên bảng thông báo đã có 18 vụ việc trong ngày vừa được đơn vị tham gia giải quyết. Và không phải chờ lâu, 17 giờ 30, tổng đài của Trung tâm tiếp nhận thông tin, khu nhà trọ công nhân ở Q.Sơn Trà có bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, cần hỗ trợ. Lập tức, xe cấp cứu 115 Q.Hải Châu tăng cường cho địa bàn Sơn Trà lên đường làm nhiệm vụ. Khi đến nơi, chúng tôi phát hiện một bệnh nhân nữ, người dân tộc thiểu số đến từ H. A Lưới (TT-Huế) đang đau bụng quằn quại. Trước tình huống này, qua thăm khám ban đầu, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 quyết định đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. 15 phút sau, chúng tôi bàn giao bệnh nhân đúng theo tuyến và trở lại trụ sở. Y sĩ Đỗ Quốc Chung cho biết, trung bình một ngày trung tâm nhận hàng trăm cuộc gọi và tiếp nhận từ 30 đến 40 ca bệnh. Có những ngày cao điểm, trung tâm cấp cứu 50 đến 60 ca. Xe cấp cứu chạy liên tục trên đường, anh và kíp trực của mình làm việc từ 7 giờ sáng đến tận 18 giờ tối mà chưa ăn gì. “Hễ cứ định ra ngoài ăn là điện thoại báo có bệnh, anh em lại tất tả lên xe cấp cứu. Có những lúc đang ăn, nghe thông tin có bệnh là buông đũa lên xe. Khi giải quyết việc xong, về nhìn lại bữa ăn, không tài nào nuốt nổi”, anh Chung chia sẻ.
18 giờ 45, chúng tôi lên xe cấp cứu mang BKS 43A-002.82 để tham gia cấp cứu người bị TNGT trên tuyến đường Hoàng Minh Thảo (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu). Trời lất phất mưa, xe ô-tô hú còi ưu tiên, lao nhanh về điểm báo có người gặp nạn. Khi đến nơi chúng không phát hiện được gì. Sau nhiều lần trao đổi với người báo tin, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi người gặp nạn trước khu vực Trung tâm giáo dục quốc phòng thuộc địa bàn P.Hòa Minh. Nạn nhân là một người đàn ông trung niên, nói giọng Huế, điều khiển xe máy BKS 75K3 -2141 trong trạng thái say rượu nên tự ngã vào lề đường, thương tích ở mặt. Phát hiện sự việc, một số sinh viên đang tham gia khóa huấn luyện giáo dục quốc phòng điện báo đến Trung tâm Cấp cứu 115. Sau khi băng bó, sơ cứu ban đầu, chúng tôi đề nghị đưa nạn nhân tên là Võ Văn Vinh lên xe để chuyển vào bệnh viện cấp cứu do có vết thương rách khá sâu ở môi. Tuy nhiên, ông Vinh không chịu đi vì lý do không có tiền để trả viện phí. Ngay lập tức, được sự vận động của các y sĩ tham gia cấp cứu, một số sinh viên có mặt theo dõi sự việc đã nhanh chóng tổ chức quyên góp được hơn 300.000 đồng giúp nạn nhân đi chữa bệnh. Lúc này ông Vinh mới chịu lên xe để chúng tôi đưa vào Bệnh viện Giao thông Vận tải Đà Nẵng sơ cứu.
Công việc của các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng có phần khác lạ và vất vả hơn so với các đồng nghiệp làm việc cấp cứu tại bệnh viện. Tại bệnh viện, các bác sĩ cấp cứu được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại thì nơi làm việc của các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu Đà Nẵng rất đa dạng. Khi bệnh nhân gọi đến 115, Trung tâm Cấp cứu sẽ ghi nhận một số thông tin báo bệnh cơ bản của họ. Dựa theo định vị trên bản đồ, trung tâm sẽ điều các xe cấp cứu tại các cơ sở gần nhất đến. Các y, bác sĩ tại trung tâm có thể cứu chữa người bệnh ở nhiều địa điểm khác nhau như: nhà dân, quán ăn, công trường,... và họ nhận cấp cứu tất cả các bệnh dù là đau vặt như cảm, sốt, ngộ độc, đau bụng đến các loại bệnh nguy hiểm như điện giật, đuối nước, TNGT. Người bệnh ở đâu thì đó cũng là nơi làm việc của các bác sĩ tại trung tâm. Điều đáng nói là không phải cứ cứu chữa cho bệnh nhân kịp thời là sẽ nhận được sự biết ơn. Nhiều bệnh nhân cực kỳ khó tính. Họ gọi đến báo bệnh nhưng xe cấp cứu đến chậm đôi phút là liên tục gọi vào tổng đài để hối thúc. Có khi vừa nhìn thấy các y bác sĩ bước xuống xe là lao vào quát tháo inh ỏi, nhăn nhó khó chịu. Nắm bắt được tâm lý sốt ruột của người nhà bệnh nhân nên hầu như các y, bác sĩ tham gia lực lượng cấp cứu 115 đều có cách hành xử đúng mực. Y sĩ Lan sau khi cấp cứu cho ông Võ Văn Vinh chia sẻ: “Làm nghề này chị quen rồi em à. Mình phải chiều bệnh nhân một chút. Họ nói gì cứ mặc, miễn sao cứu được bệnh nhân là vui rồi”.
Ghi nhận thông tin bệnh nhân trên đường chuyển vào bệnh viện cấp cứu. |
Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, trung tâm hiện có 1 trụ sở hành chính, 7 trạm cấp cứu vệ tinh, với 15 xe cấp cứu chuyên dụng, hàng ngày thực hiện công việc cấp cứu tại cộng đồng trên toàn thành phố. Trong hơn 20 năm hoạt động, trung tâm đã cấp cứu cho hàng chục ngàn bệnh nhân trên đất liền lẫn ngoài biển. Hằng ngày, trung tâm luôn có mặt kịp thời khi người dân có yêu cầu cấp cứu, nhất là những trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, không kể ngày đêm, mưa gió, thậm chí trong những cơn bão lớn như bão Xangsane năm 2006, bão Nari năm 2013, nhưng những chiếc Ambulance 115 vẫn bất chấp hiểm nguy lao trên đường cấp cứu cho người dân. Ngoài công tác chuyên môn thường nhật, trung tâm còn được ngành giao nhiệm vụ phục vụ tất cả các sự kiện thể thao, văn hóa, chính trị tổ chức tại thành phố Đà Nẵng như: cuộc thi Marathon, Iron Man, bắn pháo hoa Quốc tế, Hội nghị ASEAN, Hội nghị APEC, Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á (ABG5)...
So với ngành nghề khác, các y bác sĩ tại trung tâm cấp cứu có những thiệt thòi mang tính đặc trưng nghề nghiệp riêng. Trong các dịp nghỉ lễ, Tết, hầu hết các ngành nghề khác được nghỉ thì nhân viên y tế phải tăng cường trực, làm việc với công suất gấp nhiều lần ngày thường. Điều làm họ thấy tủi thân và đau lòng nhất, đặc biệt đối với phụ nữ đôi lúc là cảnh cha mẹ, chồng con đau ốm nhưng mình không ở nhà chăm sóc được mà vẫn phải đến những nơi xa lạ chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân nhưng họ vẫn luôn yêu nghề và gắn bó với nghề. Với các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, niềm vui và động lực lớn nhất để hằng ngày họ tiếp tục công việc của mình là cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân, nhìn bệnh nhân của mình hồi phục và khỏe mạnh trở lại.
(còn nữa)
Phóng sự: Nguyên Thảo - Ngọc Hà