Trái tim nhân ái sau lớp blouse trắng (2)
Kỳ cuối: Những bệnh án đặc biệt
(Cadn.com.vn) - Tình cờ, chúng tôi được các bác sỹ Khoa Giám định pháp y tâm thần và cai nghiện chất giới thiệu về một bệnh nhân từ TPHCM ra cai nghiện. Điều đặc biệt là bệnh nhân này không sử dụng ma túy, heroin, bia rượu mà lạm dụng thuốc giảm ho với số lượng cực kỳ lớn: 30 viên/ngày. Theo các bác sỹ thì trong thành phần của một số loại thuốc có một lượng chất như heroin, cocain, mocphin…là những chất gây nghiện nhưng liều lượng nhỏ. Vì thế các con nghiện lợi dụng thuốc này để tạo ảo giác hay sự thoải mái cho cơ thể.
Nguyễn Vũ Duy Minh (18 tuổi), sinh ra trong một gia đình khá giả tại TPHCM, ban đầu nghe bạn bè rủ rê nên Minh mua về dùng thử với liều lượng ban đầu khoảng từ 4-5 viên. Càng ngày sự phụ thuộc vào loại thuốc này càng lớn, đến khi mỗi ngày em phải dùng đến 30 viên thì gia đình phát hiện và đưa em ra Đà Nẵng cai nghiện. Minh tâm sự: "Em nghe một số đứa bạn mua thuốc này ở các tiệm thuốc tây. Ban đầu thì người ta bán giá khác khoảng một nghìn đồng một viên, sau thấy mình cần thì đẩy lên 4-5 nghìn đồng".
Với quyết tâm cai nghiện việc lạm dụng thuốc tây, Minh được các bác sỹ ở đây đặc biệt chú ý chăm sóc. Theo các bác sỹ trường hợp như Minh chỉ khi gia đình phát hiện mới đưa vào, nếu không thì tình hình nghiêm trọng nếu sử dụng với một lượng lớn thuốc lớn như vậy. Trường hợp đặc biệt hơn là bệnh nhân Vũ Văn Tình (46 tuổi) quê Lào Cai, thường đi làm nghề đào đãi vàng ở miền núi Quảng Nam. Hồ sơ bệnh án của Vũ Văn Tình được các bác sỹ cung cấp như sau: "Nghiện heroin hơn 10 năm, nhập viện cai nghiện nhiều lần, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, đi đứng loạng choạng".
Sau mỗi lần cai nghiện thành công, Tình lại trở về với công việc của mình, rồi tái nghiện. Cám cảnh bệnh nhân này lui tới Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để cai nghiện hằn sâu trong trí nhớ của các y bác sỹ nơi đây. Đến nỗi thấy anh mọi người đều biết rõ tên tuổi, quê quán và nguyên nhân vì sao lại vào đây. Hôm chúng tôi đến, Tình vừa xuất viện trước đó vài ngày. Được động viên, chăm sóc sức khỏe một cách chu đáo nhưng câu hỏi đặt ra đối với bệnh nhân này là liệu rằng thời gian tới có tái nghiện hay không?
Các bệnh nhân được tổ chức vui chơi, ca hát. |
Một bệnh nhân sử dụng ma túy đá trú tại TP Đà Nẵng, khi được người nhà đưa đến đây sau vài ngày bỗng lên cơn tự đánh vào mặt mình, đập đầu vào tường. Ban đầu người nhà không biết ngỡ rằng trong quá trình điều trị các y bác sỹ của bệnh viện đã dùng vũ lực nên người bệnh nhân sây sát, tím bầm. Nhưng sau khi được các bác sỹ cho xem lại băng quay chậm từ camera giám sát mới tin.
Bác sỹ Trương Văn Trình, Trưởng khoa GĐPYTT&CNC cho biết: "Trường hợp này làm anh em ở khoa chúng tôi nhớ nhất. Người nhà ban đầu cứ nhầm tưởng chúng tôi dùng vũ lực để khống chế bệnh nhân nhưng sau khi xem rõ sự tình thì họ mới vỡ lẽ, van xin hãy cứu con họ, nhưng chúng tôi giải thích rằng đó là trách nhiệm của chúng tôi, người thân không phải lo lắng gì cả". Lại có bệnh nhân ảo tưởng rằng mình có thể thay đổi thế giới…(!) như bệnh nhân Nguyễn Tiến (1991) từng vào đây vì nghiện ma túy luôn sống trong ảo giác có ai đó rỉ tai mình những câu chuyện rùng rợn. Đối với những trường hợp đặc biệt, các bác sỹ phải đưa ra phác đồ điều trị đặc biệt, chế độ dinh dưỡng, tập luyện cũng khác hơn các trường hợp khác.
Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Trình, bệnh nhân sử dụng các chất gây nghiện thường có biểu hiện xuất hiện ảo giác, loạn thần, không xác định được thời gian và không gian…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh và cơ thể. Những gì mà người viết tận mắt chứng kiến các trường hợp sử dụng chất gây nghiện phải vào Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng là bài học đắt giá cho những người mê muội…
Rất nhiều bệnh nhân tâm thần vào với bệnh viện chỉ mong ước sớm hết bệnh trở về gia đình. Có mặt tại khu dạy nghề của bệnh viện, nhiều bệnh nhân đôi phần tỉnh táo tâm sự rằng ước mơ duy nhất của họ là tái hòa nhập cuộc sống, được là con người bình thường… Một mong ước bình dị nhưng không dễ thực hiện được với họ.
"Em sẽ quyết tâm cai nghiện để sớm về đón tết cùng gia đình"- Minh tâm sự. |
Để tạo cơ hội cho bệnh nhân về với cuộc sống bình thường, đội ngũ y bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã trực tiếp giảng dạy các nghề như làm vườn, may vá, làm chổi, hoa giấy cho bệnh nhân. Cái chính không phải là để tạo nghề nghiệp cho bệnh nhân mà giúp bệnh nhân tái thiết lại những công việc bình thường mà khi lâm bệnh họ đã lãng quên.
Tại hội trường của bệnh viện, hôm chúng tôi đến, các bệnh nhân được tổ chức văn nghệ, ca hát. Nhìn những cánh tay giơ lên xin bác sỹ cho mình hát, người thì phát động trò chơi làm chúng tôi cảm thấy đây là ngôi nhà chung của các bệnh nhân chứ không còn không khí bệnh viện nữa. Một cái Tết sắp đến. Nếu có một nguyện cầu cho những bệnh nhân đặc biệt này, thì chỉ mong sao cuộc đời họ sẽ có những mùa Xuân thực thụ sau khi rời khỏi nơi này.
Bùi Đức Tú