Trận đánh vào CLB cố vấn Mỹ năm ấy
(Cadn.com.vn) - Nhắc tới Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng là nói đến lòng quả cảm, sự táo bạo nhưng đầy thông minh trong diệt ác, phá kềm. Có rất nhiều lần đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho ông trước khi vào trận đánh đơn tuyến.
Thế nhưng ông vẫn trở về sau mỗi chiến công bởi có nhiều cơ sở chở che, giúp đỡ.
Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng |
Anh lính "cộng hòa" chọn cơ sở
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh được ký kết, thế nhưng phía Mỹ vẫn cứ "dùng dằng", cử một số quan thầy giả dạng dân sự ở lại làm cố vấn cho chính quyền Sài Gòn đang trong giai đoạn "thoi thóp". Xác định khu căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng có tầm chiến lược quan trọng nên cố vấn Mỹ được tăng cường khá đông. Hàng ngày, những sĩ quan Mỹ đóng giả các thương gia, trí thức... đi làm việc ở nhiều nơi, trưa, tối thường tụ tập về Câu lạc bộ (CLB) số 25-MP gần sân bay Nước Mặn, P.Bắc Mỹ An, quận 3 (cũ) ăn nghỉ. Cũng chính tại đây, nhiều chủ trương đàn áp được ban bố, gây ra không ít cuộc càn quét đẫm máu, làm tổn thất lớn cho cách mạng.
Để gây áp lực buộc Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo sự chỉ đạo của Đảng và Ban Thường vụ đặc khu ủy, ông Hoàng Văn Lai, Trưởng ban an ninh đặc khu Quảng Đà chỉ đạo Ban an ninh quận 3 (BANQ) Đà Nẵng bằng mọi giá phải đánh vào CLB này nhằm đè bẹp ý chí hà hơi, tiếp sức của cố vấn Mỹ. Ông Đặng Văn Khá, Trưởng BANQ 3 giao nhiệm vụ này cho ông Trần Công Dũng, Đội trưởng trinh sát an ninh vũ trang, bởi ông Dũng có thời gian khá dài hoạt động tại vùng căn cứ lõm K20, rất gần mục tiêu tấn công, xây dựng được hàng chục cơ sở bí mật, có hầm hào trú ẩn khi cần thiết và đã có nhiều trận đánh táo bạo ngay trong sào huyệt địch.
Những ngày sau khi nhận mệnh lệnh, ông Dũng hóa trang dưới nhiều dạng: có lúc là người cầm bao xác rắn đi nhặt những thứ đồ ăn, thức uống của các đồn bốt địch thải ra, đôi khi là "người lính Việt Nam cộng hòa", trong bộ quân phục rằn ri với cấp hàm thiếu úy để có điều kiện tiếp cận mục tiêu khảo sát hoạt động của CLB. Qua điều tra bước đầu, ông thấy binh lính canh gác rất cẩn mật. Cứ chừng 20 phút thì có một toán lính tay súng lăm lăm tuần tiễu xung quanh bên ngoài tường rào căng dày kẽm gai, cài mìn và quả nổ các loại. Ở phía cổng chính, chúng đặt máy dò vũ khí, vật liệu nổ và cả chó nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ những người ra vào cổng, bởi ở CLB, ngoài những sĩ quan cố vấn Mỹ còn có một số chị em người Việt phục vụ tại đây. Những người này lúc bấy giờ được gọi là "làm sở Mỹ". Nhiều đêm thức trắng nghĩ ngợi vẫn bế tắc về phương pháp tấn công, ông Dũng bắt đầu bí mật theo dõi 2 cô gái làm tạp vụ cho CLB. Thông qua cơ sở, ông biết đó là các cô Nguyễn Thị Lợi và Huỳnh Thị Huệ, đều sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước ở tại Mỹ Thị, P.Bắc Mỹ An. Qua nhiều cách thăm dò, một hôm ông Dũng gặp Huỳnh Thị Huệ:
- Cô Huệ nè! Tôi là cán bộ an ninh, biết rất rõ về cô nên đề nghị cô giúp đỡ.
Huỳnh Thị Huệ nhìn ông bằng ánh mắt sửng sốt, nghi ngờ bởi cô nghĩ bọn cảnh sát đặc biệt có nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi lừa phỉnh để tìm manh mối hoạt động của lực lượng an ninh và biệt động thành nên hỏi lại:
- Em có thể giúp được chi cho anh?
- Hàng ngày cô đi làm trong đó cố gắng nắm kỹ số lượng cố vấn, thời gian ăn, ngủ, lính bảo vệ thế nào báo cho tôi- ông Dũng yêu cầu.
- Không được đâu. Em chỉ biết làm sở Mỹ kiếm tiền, dính dáng chi đến chuyện nớ. Họ biết em cộng tác với Việt cộng là giết liền-Huệ trả lời dứt khoát đầy cảnh giác rồi quấy quả bỏ đi.
Sau nhiều ngày gặp gỡ, động viên, thuyết phục, Huỳnh Thị Huệ cũng âm thầm xác minh thật kỹ lai lịch của ông Dũng. Khi biết chắc chắn ông là cán bộ an ninh tài ba, có nhiều kinh nghiệm tổ chức các trận đánh "xuất quỷ nhập thần" ngay trong lòng địch thì Huệ và Lợi đồng ý nhận làm cơ sở, vì vậy nắm được khá nhiều thông tin về hoạt động của CLB.
Những gói xôi nếp có… mìn
Cài cắm được người từ bên trong, ông đề xuất đánh CLB bằng mìn hẹn giờ, đây là phương án tối ưu, được ông Đặng Văn Khá chấp thuận nên ông bắt đầu huấn luyện cấp tốc cho các cô việc sử dụng mìn. Ông giao cho cô Huệ 8 kg thuốc nổ và hàng ngày Huệ nhét một ít thuốc vào giữa gói xôi để mang vào CLB "ăn sáng" nên bọn lính gác không phát hiện. Qua hơn một tháng vận chuyển bằng phương pháp này, toàn bộ khối thuốc nổ đã được đưa vào CLB an toàn. Đến giai đoạn vận chuyển kíp mìn thì có phần phức tạp hơn, bởi bọn chúng có máy dò kim loại.
Để thử mức độ "thông minh" của máy, ông Dũng giao cô Huệ một vốc tiền nhôm bỏ trong túi áo đi vào cổng thì bị máy phát hiện ngay, bọn lính gác xúm lại khám xét nhưng thấy toàn tiền chính quyền Sài Gòn nên không nghi ngờ. Lần sau, ông chỉ đạo Huệ bỏ mấy đồng tiền nhôm vào giữa nắm xôi, gói bằng lá chuối như cách vận chuyển thuốc nổ thì máy không phát hiện, ông giao cho Huệ 3 kíp mìn hẹn giờ để lần lượt đưa vào trót lọt. Hàng ngày, các cô bí mật gom khối thuốc nổ vào chiếc gàu sắt rồi gắn kíp hẹn giờ, giấu trong kho bia, nước ngọt bên cạnh phòng ăn của chúng thì bất ngờ chúng cho cô Lợi nghỉ việc, chỉ còn mình Huệ nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Để trận đánh đạt kết quả và đảm bảo an toàn cho cơ sở, ông bàn với Huệ soạn trước "kịch bản" là nhân việc CLB giảm số người phục vụ tại đây nên xin nghỉ để đi Sài Gòn làm ăn lâu dài.
Nhờ "ong trong tay áo", Huệ biết một ngày đầu tháng 5-1973, các cố vấn Mỹ mở tiệc ăn nhậu tại CLB. Đây là cơ hội thuận lợi để thực hiện trận đánh, vì vậy ông Dũng cử người mua ngay cho Huệ một vé máy bay Đà Nẵng-Sài Gòn rồi báo cáo với chúng biết mình phải đi xa. Hay tin Huệ nghỉ việc đúng vào lúc các sĩ quan Mỹ tổ chức tiệc tùng nên chúng cử lái xe đi đón Huệ vào cùng dự liên hoan để chia tay, điều này diễn ra đúng với sự tính toán của ông Dũng. Giữa cuộc vui, Huệ rút vé máy bay ra cố ý để cho bọn chúng biết rằng mình đi Sài Gòn chuyến 14 giờ rồi xin phép về nhà chuẩn bị hành lý ra sân bay. Rời bàn tiệc, Huệ vờ bước vội vào phòng vệ sinh, thấy không ai để ý, cô tới ngay khối thuốc nổ bấm 3 kíp mìn hẹn giờ và nhanh chóng ra sân, lên chiếc xe Jeep đợi sẵn để tài xế đưa cô về. Khi chiếc xe Jeep vừa khựng lại trước cổng nhà Huệ thì một tiếng nổ long trời, lở đất, cột khói đen ngòm phun lên. Các xe cảnh sát, quân cảnh hụ còi inh ỏi lùng sục "Việt cộng" làm náo loạn cả khu vực quận 3. Mờ sáng hôm sau, một số báo chí Sài Gòn loan tin: "Cộng sản tấn công bất ngờ CLB cố vấn Mỹ tại Nước Mặn, Đà Nẵng bằng mìn, làm thiệt mạng 14 cố vấn Mỹ, 6 sĩ quan khác bị thương".
Đây là một trong hàng chục trận đánh đặc biệt xuất sắc, gắn liền với tên tuổi người Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng.
Thái Mỹ