Trần Phước Ninh vin câu thơ đứng dậy
(Cadn.com.vn) - “Ta về tạ lỗi cùng quê/ Hồn vạt cỏ dại bờ đê cuối làng/ Tạ ơn sông núi mây ngàn/ Cho ta uống giọt thi đàn trăm năm...”. Đó là những câu thơ mở đầu bài thơ “Tạ lỗi” của Trần Phước Ninh, in trong tập thơ “Tạ lỗi cùng quê” của anh, do NXB Văn học vừa ấn hành. Như cảm nhận của nhiều người, đó là bài thơ lục bát khá hay, thể hiện nỗi niềm của một người con bôn ba xứ người, sau những hoài niệm quê nhà da diết, đã trở về “tạ lỗi” cùng quê hương, tạ ơn người mẹ dấu yêu: “Ta về qùy giữa đất trời/ Tạ ơn mẹ đã hát lời ca dao”.
![]() |
|
Để có 36 bài thơ in trong tập “Tạ lỗi cùng quê”, Trần Phước Ninh đã vin vào những khúc ca dao quê kiểng, vào những kỷ niệm buồn vui một thời thơ ấu đến lúc trưởng thành, mà đặc biệt là “bấu víu” vào tình người ấm áp mà gượng dậy, bước đi... “Chú là người mẹ thứ hai/ Cưu mang con bước sánh vai cùng người/ Bao năm trôi giữa dòng đời/ Giờ nghe ấm lại từng hơi thở nồng” (Bóng hạc). Hay: “Mẹ cho tôi cả cuộc đời/ Anh cho tôi những niềm vui an lành (...)/ Đâu cần địa vị công danh/ Rách lành chia sẻ nghĩa tình anh em” (Tình anh).
Nhưng trên hết, với Trần Phước Ninh, người mẹ tảo tần nơi quê nhà chính là “miền riêng” để anh xác tín “riêng tôi có mẹ dẫu nghèo cũng vui”. Bài thơ “Mẹ” của Trần Phước Ninh với những câu thơ lay động lòng người: “Giã từ phố thị phồn hoa/ Con về đây với quê nhà mẹ ơi!/ Bao năm lưu lạc xứ người/ Gieo câu lục bát ru hồi cố hương”. Người mẹ ấy giờ tóc đã sương sa, tấm lưng còng trên luống rau không người vun xới. Nhưng những ngọn gió mát lành từ bàn tay, tấm lòng của mẹ đã thổi vào lòng anh những khúc đồng dao tươi trẻ của thời thơ ấu, giúp anh thêm nhiều nghị lực để vững bước trên cuộc đời này. Với tập thơ đầu tay này, Trần Phước Ninh dành nhiều tình cảm cho quê hương bên con sông Bến Giá, nơi nỗi lòng anh “thương hoài trong ký ức” thuở đầu trần chân đất rong chơi, nơi có những khoảnh khắc kỷ niệm đáng yêu với một người con gái đã trở thành quá vãng, thành “nàng thơ không bóng không hình”.
Trần Phước Ninh hiện đang trú ở làng Xuyên Đông, TT Nam Phước, H. Duy Xuyên. Anh đã bước sang tuổi 40 và có hoàn cảnh rất đặc biệt. Năm 18 tuổi, căn bệnh não quái ác đã cướp đi sức khỏe, hoài vọng của một chàng thanh niên chập chững bước vào đời. Nghĩ mình là “gánh nặng” nên Trần Phước Ninh đã lưu lạc vào Sài Gòn bán vé số. Trong 10 năm bôn ba xứ người, anh tập tễnh làm thơ với bút danh Đông Xuyên. Tháng 3-2003, Trần Phước Ninh trở thành hội viên Hội thơ trẻ TPHCM.
Sau 10 năm lạc giọng với tiếng rao mời mua vé số nơi xứ người, Trần Phước Ninh lại “hồi cố hương”, về nhưng không chỉ ngồi “ru những ngậm ngùi”, mà vin câu thơ đứng dậy. Nhờ hỗ trợ của một vị bác sĩ tốt bụng cùng những người đồng cảm với thơ, Trần Phước Ninh dựng quán cà-phê nhỏ lấy tên “Thi Hữu”. Đây là nơi anh mưu sinh, cũng là nơi gặp gỡ giao lưu với cuộc đời, với những bạn hữu làm thơ, yêu thơ và đồng cảm với thơ, như lời tâm sự của thầy thuốc Trần Viết Phi: “Em sống bằng tâm hồn thơ, lấy thơ làm niềm vui, là ngọn đuốc sáng và sức mạnh, mượn thơ để ru hồn bằng hữu, thơ đã cho em nhựa sống, niềm tin cuộc đời”.
Thạch Hà