Trăn trở về xây dựng "hồn" văn hóa Đà Nẵng

Thứ sáu, 27/11/2015 10:16

(Cadn.com.vn) - Khi Đà Nẵng chọn năm 2015 là "Năm Văn hóa, văn minh đô thị", thành phố đã đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa cơ sở. Và hẳn nhiên, nền tảng văn hóa ở Đà Nẵng đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn trăn trở về phần "hồn" của văn hóa Đà Nẵng.

Trong buổi làm việc với Sở VH-TT và DL TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Nam Phương, thành viên  Ban văn hóa- xã hội (HĐND TP Đà Nẵng ) bày tỏ lo lắng khi nói về kết quả xây dựng và đầu tư cho văn hóa ở Đà Nẵng trong thời gian qua. Bà Phương cho rằng, dù thành phố đầu tư mạnh tay cho văn hóa tuy nhiên chỉ tập trung nhiều vào phần  "xác", còn phần "hồn" vẫn chưa thật sự chuyển biến. "Chúng ta đang từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới, thế nhưng việc xây dựng con người văn hóa, ứng xử văn minh thì chưa được chú trọng, vẫn còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi, bấm còi inh ỏi khi tham gia giao thông...

Tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa phát huy hết công cụ hỗ trợ đắc lực của mình trong việc xây dựng con người văn minh. Ví dụ như công tác tuyên truyền ở mỗi tổ dân phố, dù đã chia nhỏ nhưng các tổ dân phố chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tác động đến người dân về nhận thức, hành vi, nếp sống văn minh. Ngoài ra, cử tri vẫn còn phàn nàn về ứng xử không văn hóa của không ít công chức Nhà nước. Văn hóa là nền tảng của nhiều vấn đề, nhưng nếu chỉ lo phát triển các cơ sở vật chất mà không chăm lo cho việc nâng cao ý thức, ứng xử văn minh của người dân thì văn hóa sẽ thiếu đi phần hồn", bà Phương nói.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh - Ban văn hóa - xã hội (HĐND TP Đà Nẵng) cho rằng  Sở VH -TT và DL cần soạn thảo, in ấn quy chế ứng xử văn hóa và phát đến tận mỗi hộ dân. Bởi rất khó hình thành ứng xử văn hóa, văn minh nếu không thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất. Trong khi đó, ông Huỳnh Phước dẫn chứng những trường hợp "nhiêu khê" khi đến đăng ký dịch vụ thuê phòng tại một khách sạn, tình trạng taxi chạy "bạt mạng"..., điều này cho thấy tính chuyên nghiệp của những người làm dịch vụ du lịch còn hạn chế, làm mất hình ảnh của thành phố du lịch. Một số ý kiến khác phản ánh tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, chặt chém vẫn còn...

Sở VH-TT và DL cho biết, trong năm 2015 Đà Nẵng đã đầu tư nâng cấp, chuyển đổi công năng 27 thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí xã, phường. Tính đến nay đã hoàn thành 19 công trình và sẽ hoàn thành các công trình còn lại trong năm nay. Các công trình văn hóa trọng điểm như Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật... được thực hiện đúng kế hoạch. Về công tác rà soát và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, để tránh tình trạng các danh hiệu văn hóa cấp tràn làn như trước đây, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành bộ tiêu chuẩn, thủ tục xét và công nhận danh hiệu văn hóa, trong đó chú trọng nâng tiêu chí so với quy định của Trung ương và bổ sung một số "điểm liệt".

Với bộ tiêu chuẩn này, trong năm 2015 tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn Đà Nẵng bình quân là 77%, tổ dân phố - thôn văn hóa bình quân chỉ 76%, phường đạt chuẩn văn hóa là 68%, xã đạt chuẩn nông thôn mới là 90%...  như vậy nhiều danh hiệu văn hóa đều giảm so với mọi năm. Đó là những chuyển biến tích cực của Đà Nẵng trong việc đầu tư, xây dựng văn hóa. Tuy nhiên, Sở VH-TT và DL nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền từ nhận thức đến hành động của một bộ phận người dân còn hạn chế, hoạt động văn hóa-  nghệ thuật phát triển chưa toàn diện, thiết chế văn hóa chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân...

Người dân Đà Nẵng thích thú hóa trang thành các nhân vật tuồng trong chương trình đưa tuồng xuống phố do Sở VH-TT và DL Đà Nẵng tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Chiến-  Phó Giám đốc Sở VH-TT và DL cho biết, xây dựng văn hóa là công việc lâu dài và kiên trì, chứ không thể một sớm một chiều có thể làm được. "Năm Văn hóa, văn minh đô thị 2015 thực ra chỉ là cao trào của đề án xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị. Nhờ đó mà nhiều vấn đề tồn tại hiện lên cụ thể  để có kế hoạch giải quyết. Nhưng làm thế nào để đi vào đời sống người dân thì cần các giải pháp đồng bộ và thời gian vì từ biết đến hành động là khoảng cách khá xa. Trong năm 2016, có thể thành phố chuyển sang chủ đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng văn hóa - văn minh đô thị vẫn sẽ tiếp tục.

Sở VH-TT và DL luôn trăn trở về công tác xây dựng văn hóa Đà Nẵng làm thế nào tốt hơn, ứng xử của người dân văn minh hơn và xem đây là nhiệm vụ quan trọng,  tuy nhiên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, chung tay của các sở, ngành liên quan và đặc biệt là người dân. Thành phố cũng cần tiếp tục đầu tư  thiết chế văn hóa, theo đúng lộ trình, đầu tư nguồn nhân lực văn hóa. Nhất định chúng tôi sẽ làm quyết liệt để xây dựng văn hóa văn minh ở Đà Nẵng, chứ không lơ là nhiệm vụ này", ông Chiến nói.

Hoàng Anh