Trăn trở với di sản
Xâm hại văn bia hơn 300 tuổi
Ảnh tư liệu về tấm bia chùa Long Thủ ngày xưa. |
Mới đây, Trung tâm quản lý di sản văn hoá Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Sở VH-TT TP về nguy cơ xâm hại di tích Bia chùa Long Thủ (hay còn gọi là An Long, thuộc P.Bình Hiên, Q.Hải Châu). Ông Hồ Tấn Tuấn-Giám đốc Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cho biết, trong ngày 13-11, khi kiểm tra thực tế công tác xây dựng, tu bổ tại chùa An Long, Trung tâm phát hiện bia di tích chùa Long Thủ, tấm bia cổ có niên đại hơn 360 năm bị xâm hại. Cụ thể, các đơn vị thi công đã tháo dỡ hoàn toàn nhà bia, tấm bia bị di dời khỏi vị trí, vứt ở một góc sân và không được che chắn, nhà chùa để vật liệu ngổn ngang đè lên tấm bia, ảnh hưởng đến những ký tự Hán Nôm khắc trên bia... "Trong quá trình tu bổ chùa, Ban trị sự chùa An Long thảo dỡ hoàn toàn nhà bia, tự ý di dời bia và không có hình thức bảo vệ bia phù hợp. Sau khi chúng tôi có ý kiến thì nhà chùa mới che chắn và đưa bia về vị trí cũ. Giá trị của tấm bia chùa An Long rất lớn, chứa đựng quá trình hình thành vùng đất Nại Hiên của Đà Nẵng xưa", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, bia di tích chùa Long Thủ được lập vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1657) do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu biên soạn và là tấm bia độc bản. Nội dung trên văn bia cho thấy, từ thời xưa ở vùng đất làng Nại Hiên (huyện Tân Phúc, phủ Điện Bàn) Đức Phật thường hiển linh cứu độ nhiều người, nơi đây là đất thiêng, người tin đến cầu vọng linh ứng, thấy hình đầu rồng (long thủ). Cho là nơi tụ khí linh thiêng, vì vậy dân làng Nại Hiên cùng nhiều vị chức sắc địa phương, từ vợ chồng Cai thuộc Hội chủ Nguyễn Văn Châu, vợ chồng Cai hợp Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Lễ, Lại ty Ty Tướng Thần Lại Trần Hữu Kỷ, Xã trưởng Phạm Văn Ngao đến hết thảy dân làng đều đồng tình dựng lên một ngôi chùa mới, tại khu đất do ông Trần Hữu Lễ dâng hiến. Năm 1925, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương công nhận là cổ tích. Năm 1992, Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng văn bia là di tích cấp quốc gia. Tháng 11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng có công văn trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho "Bia chùa Long Thủ" cùng với 3 hiện vật khác của Đà Nẵng là Quả tim lửa, Bia Nghĩa trủng Phước Ninh và Bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật.
Bia di tích chùa Long Thủ bị xâm hại trong lúc trùng tu chùa. |
Trăn trở với di sản
Ông Hồ Tấn Tuấn tâm sự, nhìn hiện vật bia chùa Long Thủ bỏ bê như vậy rất xót xa. "Một hiện vật quý như vậy mà người ta không giữ gìn, đó là những gì tiền nhân để lại cho các thế hệ con cháu sau này biết về lịch sử và nguồn gốc của vùng đất Nại Hiên". Chẳng riêng gì bia ở chùa Long Thủ, thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều di tích khác bị xâm phạm. Ông Tuấn cho biết, tại hang Âm Phủ, thuộc danh thắng Ngũ Hành Sơn, vốn dĩ nơi đây là hang động do thiên nhiên tạo nên được người xưa đặt tên theo cảnh trí và địa hình của hang. Trong kháng chiến chống Mỹ, hang Âm Phủ gắn liền với trận đánh giữa bộ đội ta với quân Mỹ. Thế nhưng, bây giờ giá trị lịch sử này không được phát huy mà thay vào đó là những hình ảnh ma quái và mới đây còn "sáng tạo" thêm lễ hội Vu Lan. Trước đó, hai trụ đá Chăm ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng bị mài nhẵn, làm mất đi giá trị gốc ban đầu của hiện vật. Hay mới đây, trong quá trình khảo sát thực tế tại di tích nghĩa địa Pháp- Tây Ban Nha (thuộc P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà), Trung tâm quản lý di sản văn hóa thành phố phát hiện một ngôi mộ được chôn cất trái phép ngay trong khuôn viên. "Ngôi mộ này chỉ mới được chôn vài tháng trở lại đây, tuy nhiên khi chúng tôi tìm hiểu thì chính quyền địa phương không biết. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến di tích nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha, nơi ghi dấu những ngày đầu chống Pháp tại Đà Nẵng của quan quân triều Nguyễn", ông Tuấn phản ánh.
Theo thống kê, thành phố Đà Nẵng hiện có 19 di tích cấp Quốc gia, 51 di tích cấp thành phố, đây là những di tích quý thế nên mỗi khi có di tích bị xâm hại, khiến những người đau đáu về di sản phải trăn trở. "Mỗi lần nhìn thấy hiện vật hay di tích bị xâm hại, tôi tiếc đứt ruột, bởi đó đều là những di sản mà cha ông để lại cho đến bây giờ. Hiện nay, khi trùng tu hay tôn tạo một di tích nào đó đều do địa phương hoặc đơn vị chủ quản tiến hành, trong lúc thực hiện thì nhiều người không xem trọng việc bảo vệ di sản, khiến di tích bị xâm hại. Nên chăng, chúng ta nên giao Sở Văn hóa và thể thao và những cơ quan có chuyên môn đứng ra trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, như vậy sẽ bảo vệ tốt hơn di sản văn hóa", ông Tuấn đề xuất.
HOÀNG ANH