Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc:

Trăn trở với nghệ thuật truyền thống

Thứ hai, 29/08/2016 09:29

(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, Đà Nẵng trở thành điểm hội tụ của nghệ sĩ tuồng và dân ca của cả nước, khi có 11 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Các vở tuồng, dân ca được dàn dựng công phu, cùng với tài năng của những nghệ sĩ đã mang lại cho hội thi một không gian nghệ thuật truyền thống đậm nét. Ông Vũ Tiến Thêm, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, cho biết đoàn mang đến hội thi 2 vở diễn là “Chuyện tình bên tháp cổ” và “Người cha”.  “Đây là hai vở diễn được chúng tôi dàn dựng công phu trong một thời gian dài. Chúng tôi hy vọng sự đầu tư ấy sẽ để lại ấn tượng tốt cho người xem, nhưng quan trọng hơn là để giới thiệu về hoạt động nghệ thuật truyền thống của tỉnh Khánh Hòa, cũng là cơ hội để anh em nghệ sĩ học hỏi thêm kinh nghiệm và giữ ngọn lửa đam mê với nghề”– ông Thêm chia sẻ.

Ông Thêm cho biết, để đưa đoàn đến Đà Nẵng biểu diễn là cả quá trình khó khăn, bởi kinh phí không nhiều, trong khi số lượng diễn viên, nghệ sĩ tham gia biểu diễn nhiều. Không riêng gì đoàn nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa, những đoàn nghệ thuật khác cũng vậy. Bởi lâu nay, nghệ thuật tuồng và dân ca không nhận được sự quan tâm của khán giả, trong khi kinh phí đầu tư cho loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương còn rất hạn chế. Vì vậy, để có  một vở diễn tham dự cuộc thi là điều không dễ dàng. Ông Từ Văn Hiệp–Đoàn ca kịch Quảng Nam cho biết, đoàn tham gia cuộc thi với hơn 40 thành viên với vở diễn “Thái xuyên Trần Qúy Cáp”. Ông nói: “Nếu không đam mê thì thật khó để anh em nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật truyền thống. Niềm đam mê nghệ thuật tuồng và dân ca đã đưa chúng tôi đến với cuộc thi này”.

Một cảnh trong vở diễn Phúc thần Thoại Ngọc Hầu do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng
Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn.

Nhiều đoàn nghệ thuật mang đến cuộc thi những tác phẩm hay, những tinh hoa của nghệ thuật tuồng và dân ca để phục vụ khán giả. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhận xét, nhiều tác phẩm dự thi rất chất lượng, được đầu tư công phu. Bên cạnh đề tài lịch sử như vở Phúc thần Thoại Ngọc Hầu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, vở Bi kịch hoàng đế thi sĩ của Nhà hát Nghệ Thuật  truyền thống Cung đình Huế hay vở Phật hoàng Trần Nhân Tông của Nhà hát Tuồng Việt Nam thì các đoàn nghệ thuật đã khai thác đề tài chiến tranh, cách mạng dưới góc nhìn mới mẻ. “Từ đặc trưng chung nhất của loại hình nghệ thuật tuồng và dân ca kịch, mỗi đơn vị nghệ thuật thổi vào đó đặc thù bản sắc của mỗi vùng miền. Xây dựng kịch bản sáng tạo song không thoát ly giá trị truyền thống mà làm giàu thêm giá trị truyền thống. Hơn nữa, việc đưa đề tài, câu chuyện xã hội hiện đại lên sân khấu là không hề dễ dàng, đặc biệt với sân khấu tuồng, nên có thể xem đó là sự đột phá mới”-NSND Lê Tiến Thọ nhận xét.

Đánh giá cao những tác phẩm dự thi nhưng NSND Lê Tiến Thọ cũng bày tỏ sự  trăn trở, khi có rất ít những vở diễn mang hơi thở thời đại, thiếu vắng những kịch bản mới. “Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ sáng tác kịch bản nghệ thuật truyền thống, người sáng tác tài năng lại càng hiếm. Trong cuộc thi này có 17 vở diễn nhưng chỉ có vài tác giả sáng tác và chuyển thể. Vì thế, không có nhiều tác phẩm mới gắn liền với đời sống, tính hiện đại. Người xem vì thế cũng cảm thấy tác phẩm cũ, không theo kịp nhịp sống đương đại nên không mặn mà là điều đương nhiên”- NSND Lê Tiến Thọ nói. Nguyên nhân, khiến cho nghệ thuật truyền thống vẫn dậm chân ở mức “bảo tồn” mà không phát triển, theo NSND Lê Tiến Thọ là do chưa được đầu tư bài bản: “Chúng ta quyết giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc nhưng nếu không được đầu tư, không đưa tuồng và dân ca đến với giới trẻ thì làm thế nào để giữ gìn, để kéo khán giả đến với sân khấu”. Ông Phạm Ngọc Tuấn,  Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam cũng cho rằng cần phải có chiến lược tổng thể trong bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống, đầu tiên là vấn đề con người: “Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, sự cống hiến phải được trả giá tương xứng. Nếu có những chế độ, chính sách đãi ngộ tốt thì không sợ thiếu nghệ sĩ, diễn viên tài năng trong nghệ thuật truyền thống”. Còn lão nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, nghệ thuật truyền thống là niềm tự hào và tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật tuồng. “Nghệ thuật tuồng có sự phát triển lâu đời, gắn liền với lịch sử dân tộc và trên thế giới không có loại hình nghệ thuật nào tương tự như thế. Nhiều lần tôi mang tuồng ra nước ngoài giới thiệu và biểu diễn và được đón nhận rất nồng nhiệt. Tôi cho rằng, nghệ thuật tuồng xứng đáng được xem là quốc kịch của Việt Nam. Vì vậy muốn giữ gìn và phát huy được những giá trị nghệ thuật tuồng và những loại hình nghệ thuật truyền thống khác của dân tộc thì ta phải xem trọng nó, đầu tư một cách bài bản”– ông Phương nói.

Minh Hà