Trần Văn Thủy kể "Chuyện tử tế"

Thứ tư, 15/05/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Khán giả Việt Nam từng xem hai bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" và "Hà Nội trong mắt ai" của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng-NSND Trần Văn Thủy. Nhưng ít ai biết rằng để thực hiện và giới thiệu hai bộ phim này, Trần Văn Thủy đã phải gặp nhiều sóng gió. Những câu chuyện như thế lần đầu tiên được NSND Trần Văn Thủy kể lại qua cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy" vừa được Cty Sách Phương Nam liên kết với NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Mất nhiều thời gian lắm, người bạn thân Lê Thanh Dũng mới thuyết phục được Trần Văn Thủy kể lại những câu chuyện của cuộc đời mình. Mỗi lần như thế Thủy  lại hỏi "Để làm gì, nó có ích không?". Nhưng rồi ông cũng đồng ý kể với lý do duy nhất "Làm cuốn sách này để tri ân những bậc cao niên, đồng nghiệp khán giả, bằng hữu trong và ngoài nước-những người đã tin cậy nâng đỡ và khích lệ tôi trong suốt cuộc đời làm nghề". Lần theo từng trang sách, theo bước đường quay phim của Trần Văn Thủy, những câu chuyện vui buồn chứa đựng nhiều tâm sự, số phận, chiêm nghiệm của một con người đã 70 năm "ăn ở" với đời. Câu chuyện hôm qua nhưng vẫn nóng hổi hơi thở của cuộc sống hôm nay.

Đạo diễn Trần Văn Thủy (bên phải) cùng với người bạn thân Lê Thanh Dũng. 

Trong cuốn sách, ông Thủy kể nhiều chuyện lắm, từ chuyện ông làm cán bộ văn hóa ở Tây Bắc, rồi cùng Đặng Thùy Trâm đi B, vào Nam làm phóng viên chiến trường... chứ chẳng phải chỉ nói riêng về phim "Chuyện tử tế". Nhưng người đọc vẫn tò mò, theo dõi xem cái số phận của bộ phim từng gây ra "tiếng nổ đùng đùng" khiến cho tác giả của nó lao đao, điêu đứng có cái kết ra sao...

"Chuyện tử tế" được Trần Văn Thủy khởi quay năm 1985, trong hoàn cảnh phim "Hà Nội trong mắt ai"  vẫn bị cấm. "Bắt đầu từ một bạn đồng nghiệp rất thân, anh Đồng Xuân Thuyết đổ bệnh ung thư, chúng tôi quyết định bấm máy. Khi quay, nhiều người trong cơ quan phản đối, cho rằng anh ta không phải là nhân vật đặc biệt gì, không công trạng, không danh hiệu, không đảng viên. Nhưng rõ ràng đó là thân phận con người nên chúng tôi quay. Tôi nghĩ anh bị ung thư, theo lẽ thường anh không gượng dậy được và chết thì đó là cái cớ để có một bộ phim hay nhưng nếu anh không chết thì phim đổ. Có giai đoạn Thuyết được một người bạn cho uống mật gấu và khỏe lên. Thuyết phóng xe máy ầm ầm đến nhà tôi ở Hàng Bún và hét lên "Thủy ơi, tao không chết, phim của mày đổ rồi". Trần Văn Thủy bắt đầu "Chuyện tử tế" bằng những thân phận con người thật như thế.

 Cuốn sách "Chuyện nghề của Thủy".

Tự ví mình là "một cỗ xe cũ không phanh", Trần Văn Thủy lao thẳng vào "Hà Nội trong mắt ai" khởi quay năm 1982, để rồi sau đó tiếp tục đâm sầm vào "Chuyện tử tế". "Vậy ra, nghĩ cho đến cùng ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên tử tế - nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người". Không ẩn dụ nhẹ nhàng như "Hà Nội trong mắt ai", những lời bình như thế trong "Chuyện tử tế" đốp chát trực diện thân phận những người nghèo khổ và mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ, vì thế mà nó tạo ra tiếng vang lớn. Phim được đánh giá là tác phẩm đặc sắc nhất của Trần Văn Thủy, dù bị cấm không cho xuất ngoại thế nhưng phim đã đoạt giải nhất Bồ Câu bạc Liên hoan quốc tế Leipzig năm 1988, được báo chí nước ngoài gọi là "Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig".

NSND Trần Văn Thủy đã đạo diễn hơn 20 phim, trong đó có nhiều phim tài liệu đoạt giải cao trong các liên hoan phim. Những bộ phim nổi tiếng của ông có thể kể như:
- "Những người dân quê tôi", phim đầu tay, quay ở chiến trường Quảng Đà, đoạt giải Bồ câu bạc tại Liên hoan quốc tế Leipzig năm 1970.
-"Phản bội", phim về chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979, giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980.
- "Hà Nội trong mắt ai", giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988.
- "Chuyện tử tế"
-"Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai" giải phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43.

Số phận chìm nổi của hai bộ phim tài liệu "Chuyện tử tế" và "Hà Nội trong mắt ai"  có thể trở thành kịch bản của một cuốn phim truyện gay cấn và ly kỳ vì nó đặc biệt ở chỗ không hư cấu mà phản ánh những việc thực, người thực. Ở  tuổi 70, Trần Văn Thủy nghiệm ra rằng "sức lực để che chắn đến đứa con tinh thần của mình được đến bến bờ còn mệt mỏi hơn nhiều sức lực để làm ra một bộ phim". Ông tâm sự: "Tôi yêu đất nước này, tôi có tấm lòng thiết tha với xứ sở đã sinh ra mình và tôi  muốn làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hy sinh. Đó chính là điểm xuất phát của tôi".

Qua mỗi trang sách, người đọc cảm nhận được Trần Văn Thủy luôn đau đáu với số phận con người, những giá trị đang dần biến mất, khi sự dối trá trở nên bình thường, làm xói mòn nhân tính con người. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một nghề, một người, "Chuyện nghề của Thủy" là câu chuyện thế sự, những chuyện chưa bao giờ cũ, giống như những bộ phim tài liệu của ông, sức nặng của cuốn sách nằm ở sự thật, một sự thật không hư cấu.

Minh Hà