Tranh cãi Mỹ - EU xung quanh Đạo luật giảm lạm phát

Thứ sáu, 16/12/2022 11:13
Mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình trạng căng thẳng khi nhiều nước châu Âu phản ứng với chính sách mới của Washington về trợ cấp chống biến đổi khí hậu, dưới hình thức Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành hồi tháng 8.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Gây bất lợi cho ngành công nghiệp châu Âu

IRA được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 8 năm nay, trong đó bao gồm khoảng 370 tỷ USD trợ cấp nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế ít carbon. Đạo luật này gồm có việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ, hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ, cấp các khoản trợ cấp cho các công ty và người tiêu dùng để chuyển đổi sang công nghệ xanh và bảo vệ môi trường.

IRA đã trở thành chủ đề gây tranh cãi ở châu Âu. Tuy EU hoan nghênh cam kết của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nhưng khối này cho rằng quá trình chuyển đổi xanh không thể ảnh hưởng tới quyền lợi của bên khác. Giới chức EU lo ngại IRA sẽ gây bất lợi cho ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt là các công ty sản xuất ô-tô điện. Trả lời tờ Journal du Dimanche, Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton nhận định, IRA sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong cạnh tranh. Một số nhà lãnh đạo EU, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã cảnh báo rằng các khoản trợ cấp trong đạo luật này sẽ gây bất lợi cho các công ty châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen lo ngại IRA sẽ tác động tiêu cực đến thị trường và làm phân mảnh chuỗi cung ứng quan trọng. EU muốn Mỹ nhanh chóng mở rộng các biện pháp trợ cấp sang cả các doanh nghiệp châu Âu, không chỉ cho công ty Mỹ.

Đối mặt nhiều quan ngại tại WTO

Tại Phiên rà soát chính sách thương mại của Mỹ tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra ngày 14-12, một số quốc gia thành viên WTO đã nêu quan ngại về các khoản trợ cấp xanh của Mỹ. Đại sứ EU tại WTO Aguiar Machado cho rằng các khoản trợ cấp trong IRA của Washington đang tạo lợi thế cho các nhà sản xuất Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như ô-tô. Ông Machado nhấn mạnh việc cung cấp những khoản trợ cấp này cần phù hợp với các nghĩa vụ của Mỹ tại WTO. Ông cũng cho rằng chính sách thương mại của Mỹ ngày càng có xu hướng "hướng nội", tập trung bảo vệ lợi ích của các ngành trong nước.

Đại sứ Anh tại WTO, ông Simon Manley, cảnh báo các khoản trợ cấp trong IRA sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp nước này và tác động đến chuỗi cung ứng pin, xe điện và năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Ông kêu gọi tất cả các bên phối hợp tìm giải pháp để đảm bảo có thể đạt được tham vọng chung về một tương lai xanh và bền vững hơn mà vẫn có thể bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và tôn trọng các quy tắc của WTO.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại WTO, bà Maria Pagan, khẳng định trợ cấp cho năng lượng xanh là biện pháp cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh những khoản trợ cấp trong IRA giúp tạo ra các chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn, đồng thời thúc đẩy sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường ở Mỹ.

EU không muốn thương chiến với Mỹ

Ngày 14-12, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc thảo luận về các chính sách gây tranh cãi của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Liên quan các điều khoản gây tranh cãi trong IRA, giới lãnh đạo EU khẳng định thương chiến với Washington là điều cuối cùng họ muốn, bởi vì các bên đang cần một giải pháp chung để giải quyết xung đột Ukraine. Theo giới lãnh đạo EU, cuộc chiến ở Ukraine đang ở "trước cửa nhà" họ, và một giải pháp chung là điều cần thiết để ngăn chặn Nga. Tuy nhiên, tiền lại là mối đe dọa cho sự thống nhất đó.

EU kêu gọi khối này cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp để ứng phó. Theo ông Breton, châu Âu sẽ phải cải thiện khả năng thu hút đầu tư và tính cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp số và chuyển đổi xanh. Ông Breton cũng kêu gọi thúc đẩy thành lập "Quỹ chủ quyền châu Âu" để hỗ trợ cho ngành công nghiệp châu Âu.

Về phần mình, trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông Macron đến thăm Mỹ hồi đầu tháng 12 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ không có ý định sử dụng đạo luật này để gây bất lợi cho bất kỳ đồng minh nào. Thay vào đó, đạo luật hướng đến việc củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như châu Âu để khắc phục những tổn thương kinh tế trong đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine. Trong nỗ lực không để các khoản trợ cấp gây thêm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, hai bên nhất trí sẽ thảo luận về các biện pháp phối hợp và điều chỉnh cách tiếp cận nhằm củng cố, bảo đảm chuỗi cung ứng, sản xuất, đổi mới ở Mỹ và EU.

AN BÌNH