Tranh cãi quanh số phận cựu Thủ tướng Hariri

Thứ bảy, 11/11/2017 09:59

Beirut cho rằng, việc trở về quê nhà của cựu Thủ tướng Saad Hariri, người đã tuyên bố từ chức trong một bài phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia là “cần thiết để khôi phục lại sự tự tôn” của Lebanon.

Lebanon lo ngại chìm sâu trong khủng hoảng sau khi Thủ tướng Hariri từ chức.  Ảnh: Reuters

Áp lực đang đè nặng lên Riyadh khi Beirut liên tục kêu gọi nước này “hãy để” cho cựu Thủ tướng Saad Hariri trở về nước.

Trong tuyên bố hôm 10-11, Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil yêu cầu đưa cựu Thủ tướng Hariri  về từ Saudi Arabia. Trên Twitter, ông Bassil nêu rõ: “Chúng tôi yêu cầu đưa Thủ tướng Saad Hariri về nước”. Ngoại trưởng Bassil là con rể của Tổng thống Lebanon Michel Aoun, người vẫn chưa chấp nhận tuyên bố từ chức của ông Hariri và hiện đang đợi người đứng đầu nội các Lebanon trở về trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Hôm  9-11, đảng Al-Moustaqbal đưa ra tuyên bố nhấn mạnh sự trở về của ông Hariri là “tất yếu” và cần thiết đối với sự “tôn trọng toàn diện chủ quyền của Lebanon”.

Trước đó ngày 4-11, ông Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức trong bài phát biểu được phát trên truyền hình từ thủ đô của Saudi Arabia, với lý do “Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực” và tính mạng của ông đang bị đe dọa. Tuyên bố gây sốc đẩy Lebanon chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị và khiến nước này trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Quyết định từ chức đột ngột của ông Hariri cũng làm dấy lên đồn đoán tại Lebanon rằng, chính trị gia đồng minh của Saudi Arabia này đã bị kìm kẹp trong một cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực giữa Iran và Saudi Arabia và buộc phải từ chức.

Diễn biến mới nhất cũng đặt ra những hoài nghi về số phận của ông Hariri, người cũng có quốc tịch Saudi Arabia, vì quyết định từ chức của chính khách này trùng với sự kiện Riyadh bắt giữ hàng chục hoàng thân, bộ trưởng và các doanh nhân trong một chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có trong lịch sử.

Trong khi đó, báo Al-Akhbar thân với phong trào Hezbollah cho rằng, ông Hariri đang bị bắt giữ làm con tin tại Saudi Arabia. Phát biểu với hãng tin AFP, ông Moustapha Allouch, một thành viên thuộc đảng Al-Moustaqbal (Tương lai) của ông Hariri, nói: “Chúng tôi không có thông tin liên quan đến Thủ tướng Hariri. Chúng tôi chỉ muốn ông ấy trở về nước”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 10-11 bác bỏ tin này. Vị ngoại trưởng này cho rằng, cựu Thủ tướng Hariri không bị quản thúc tại gia ở Saudi Arabia và cũng không phải chịu bất kỳ sự giám sát đặc biệt nào về đi lại.

Phát biểu trên Đài phát thanh Europe 1, Ngoại trưởng Pháp nêu rõ: “Theo những gì chúng tôi biết... ông ấy được tự do đi lại và đưa ra những lựa chọn của riêng mình. Quan ngại của chúng tôi là sự ổn định của Lebanon và một giải pháp chính trị cần phải nhanh chóng được đưa ra”.

Paris vốn có quan hệ mật thiết với Lebanon, một thuộc địa cũ của nước này và với ông Hariri, người sở hữu một căn nhà tại Pháp sau nhiều năm sinh sống. Ngày 10-11, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cũng cho biết, Berlin không có bằng chứng cho thấy ông Hariri đang bị giam giữ ở Saudi Arabia, đồng thời cho rằng cựu Thủ tướng Lebanon được tự do đi lại ở vương quốc này.

KHẢ ANH