Tranh chấp biển chi phối ADMM+

Thứ sáu, 30/08/2013 13:15

(Cadn.com.vn) - Sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc giải quyết toàn bộ các tranh chấp ở biển Đông, vì vậy ASEAN rất cần nỗ lực phối hợp của Bắc Kinh.

Nghị trình đi đến thống nhất một giải pháp về vấn đề biển Đông, biển Hoa Đông cùng cuộc khủng hoảng Syria là vấn đề ưu tiên trên bàn Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần II khai mạc tại Brunei hôm 29-8.

Ổn định cho Châu Á-Thái Bình Dương

Đây là hội nghị quan trọng với sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng, quan chức quân sự của 18 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ASEAN và các đối tác Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ).

Các bộ trưởng tập trung thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế; đánh giá những tiến bộ đạt được trong các lĩnh vực hợp tác thực tế đề ra cách đây 2 năm tại Hà Nội (ADMM+ lần I) và đề ra phương hướng phát triển trong 2 năm tới khi nhóm họp tại Malaysia vào năm 2015 (ADMM+ lần III). Theo giới quan sát, chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2010, ADMM+ đóng một vai trò tích cực trong việc tăng cường hợp tác và đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại nhằm đảm bảo ổn định, an ninh, hòa bình và phát triển của khu vực.

Các đại biểu tham dự Hội nghị ADMM+ tại Brunei hôm 29-8. Ảnh: THX

Nói về cục diện Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo, việc ngày càng xảy ra nhiều sự vụ trên biển và căng thẳng tại các vùng biển tranh chấp đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra đối đầu quốc tế nguy hiểm. Trong tuyên bố ám chỉ đến những động thái quyết đoán gần đây của Trung Quốc, ông Hagel nói: “Các động thái nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền trên biển không giúp củng cố tuyên bố pháp lý của bên nào. Thay vào đó, nó còn làm gia tăng nguy cơ đối đầu, phương hại sự ổn định trong khu vực và phủ bóng đen lên triển vọng ngoại giao. Vì thế, một số bộ trưởng ASEAN đề xuất các bước thực tế ngăn chặn xung đột, trong đó có việc thiết lập đường dây nóng giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tập trận để tránh va chạm trên biển và một thỏa thuận về “không sử dụng vũ lực đầu tiên”.

Trong “Tuyên bố chung Bandar Seri Begawan”, các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của ADMM+và sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn. Các bộ trưởng cho rằng, mối quan hệ giữa các nước cần phải được định hướng bởi những nguyên tắc cơ bản được đề cập trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN, đặc biệt trong việc từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và thể hiện kiềm chế.

Tại hội nghị, lễ chuyển giao chức chủ tịch ADMM từ Brunei cho Myanmar.

Hy vọng cho COC

Cùng ngày 29-8, để bắt đầu đánh dấu kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc, các ngoại trưởng hai bên bắt đầu cuộc họp đặc biệt tại thủ đô Bắc Kinh với trọng tâm chương trình nghị sự dự kiến là những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên biển Đông.

Hội nghị diễn ra ngày 29-8 tại Bắc Kinh, sẽ là tiền đề quan trọng để thảo luận cách thức xúc tiến thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) nhằm giải quyết các xung đột về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải ở khu vực giàu tài nguyên và là tuyến hàng hải quan trọng này. Mọi việc cần được thống nhất trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan, dự kiến diễn ra tại Brunei vào đầu tháng 10 tới.

Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN đang vướng vào những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Để xoa dịu căng thẳng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đề nghị các bên thảo luận kỹ về COC và đảm bảo sự thành công của hội nghị. Đề nghị của ông Vương có 4 yếu tố chính. Thứ nhất, mỗi bên sẽ có kỳ vọng thực tế từ các cuộc đàm phán vì sẽ không thực tế khi nói về một “giải pháp sửa chữa nhanh chóng”. Vì COC liên quan đến lợi ích tất cả các bên, xây dựng nó sẽ là quá trình phối hợp tinh vi và phức tạp. Thứ hai, để đạt được đồng thuận về COC, các bên sẽ “lấy cảm hứng” từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để thúc đẩy các cuộc tham vấn về COC. Thứ ba, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ ngăn chặn các nước ngoài khu vực can thiệp vào tranh chấp. Thứ tư, hai bên cần có cách tiếp cận từng bước xây dựng COC vì các tranh chấp biển Đông là cực kỳ nhạy cảm và không thể được giải quyết qua một đêm.

Tất nhiên, sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc giải quyết toàn bộ các tranh chấp và ASEAN rất cần cam kết của Bắc Kinh sẽ trở thành hiện thực.

Khả Anh