Tranh nhau nuôi người bị… tai biến

Thứ ba, 06/01/2015 09:30

(Cadn.com.vn) - Nạn nhân không may bị tai biến, liệt nửa người, bản thân lại neo đơn, không chồng con. Thế nhưng từ khi nạn nhân bị bệnh đến nay, nhiều người cho rằng mình có họ hàng với nạn nhân nên thay phiên nhau đến chăm sóc, thậm chí có người còn làm đơn gửi các ngành chức năng can thiệp, giúp đỡ để mình giành được quyền nuôi... bệnh nhân.

Tranh nhau nuôi người bệnh?

Trong đơn kiến nghị gửi Báo Công an TP Đà Nẵng, ông T.V.N. (1979, trú H. Phú Ninh, Quảng Nam) trình bày: “Bà tôi là Trần Thị Út (1949, trú số 62-Trần Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là vợ liệt sĩ, bản thân là cán bộ hưu trí đang hưởng chế độ hàng tháng. Hoàn cảnh bà tôi thuộc hộ độc thân, không còn người thân thích, họ nội thì ở xa, không hề quan hệ, giúp đỡ. Họ ngoại chỉ còn một số con cháu mà trực tiếp là gia đình cha mẹ tôi và tôi thường xuyên giúp đỡ cũng như chăm lo lúc bà trái gió, trở trời.

Ngày 14-9-2014, bà tôi lâm bệnh tai biến mạch máu não phải cấp cứu và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, nhưng bệnh quá nặng sau đó được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng để chữa trị. Thời gian nằm viện kéo dài 3 tháng, gia đình tôi thay phiên nhau trông nom, chăm sóc cho bà.

Thật trớ trêu và thật đau lòng tự dưng có người tự xưng là bà con họ tộc bên nội đời xa, gồm có Trần Văn Lanh và Trần Văn Lợi xuất hiện lúc sức khỏe bà tôi thập tử nhất sinh để tranh giành tài sản. Vì lòng tham mà họ bất chấp mạng sống của người bệnh, họ ngang nhiên đến nhà bà tôi áp tải bà lên xe để chở về quê nội, với mục đích khi bà mất họ có ý đồ chiếm hữu ngôi nhà và tài sản... Ý nguyện của bà tôi là được ở nhà của mình và được chăm sóc tại nhà, nơi gần bệnh viện chứ không muốn đi xa. Thế nhưng ông Lanh và ông Lợi lại tự ý bắt bà tôi về thôn Ngọc Tú (xã Tam Dân, H. Phú Ninh, Quảng Nam) để ở với ý đồ không tốt có thể nguy hại đến tính mạng, là hành vi trái đạo đức xã hội”.

Ngôi nhà số 62-Trần Phú của bà Trần Thị Út.

Người trong cuộc lên tiếng

Sau khi xem nội dung trình bày của ông N.,  P.V đã tìm về thôn Ngọc Tú, nơi ông N. cho rằng bà mình bị bắt đưa về đây với ý đồ không tốt. Tuy nhiên, tiếp xúc với chúng tôi, chị Bùi Thị Hà (vợ anh Lợi) cho biết: “Trước đây cô Út khỏe nên lâu lâu anh em chúng tôi mới đem gạo, thực phẩm trên quê xuống thăm, biếu cô. Vừa qua khi cô Út đau, N. giấu không báo tin. Nhưng khi biết tin, anh em chúng tôi cũng chạy ra bệnh viện chăm sóc cô, thế nhưng N. bảo để gia đình N. chăm sóc. Khi cô Út về nhà, ba tôi nói anh em tôi xuống đưa cô về trên này để tiện chăm sóc, chứ ở xa chạy xuống chạy lên bất tiện. Chúng tôi đưa về hôm trước thì hôm sau N. chạy lên nói phải chở cô về đưa đi tái khám. Nhưng gia đình tôi bảo cứ đưa hồ sơ bệnh án của cô đây, nếu trong hồ sơ bác sĩ ghi tái khám thì gia đình sẽ đưa đi, chúng tôi chịu trách nhiệm sức khỏe của cô. Nhưng N. không đồng ý, rồi làm đơn gửi khắp nơi cho rằng gia đình tôi bắt cô Út về với ý đồ trục lợi”.

Còn anh Lợi bày tỏ: “Lúc cô mạnh khỏe thì đâu cần chúng tôi chăm sóc. Nhưng thi thoảng chúng tôi vẫn xuống thăm cô. Giờ cô bị bệnh, chăm sóc cô là trách nhiệm của anh em chúng tôi. Việc chúng tôi làm không hổ thẹn, không vụ lợi, làm đúng với lương tâm thì ai nói sao kệ họ”.

Anh em ông Trần Văn Lanh thay phiên nhau chăm sóc bà Út với cả tấm lòng của những người cháu.

Để có tiếng nói khách quan, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Thị Út. Ngồi trong căn phòng ấm áp, có bếp lửa than dưới giường, bà Út vẫn minh mẫn, tự mình ngồi nói chuyện bình thường chứ không còn bị liệt nửa người như những ngày còn nằm ở bệnh viện, bà cho biết: Bà là chị em chú bác ruột với cha anh Lanh, anh Lợi. Còn đối với gia đình ông N. là bà con xa. N. gọi bà Út là bà dì họ. “Giấy chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm, giấy tờ của tôi thằng N. nó giữ cả. Không biết nó giữ làm chi mà biểu đưa nó không chịu đưa. Còn sổ lãnh lương của tôi thì con Hợp (mẹ ông N.-P.V) nó giữ... Ở đây mấy cháu chăm sóc tôi rất chu đấu, tận tình. Tôi muốn ở đây với cháu chứ không muốn về ở với thằng N.”, bà Út quả quyết.

Được biết, chồng bà Út hy sinh trong chiến tranh, con cũng chết từ nhỏ nên bà sống neo đơn từ đó đến giờ. Anh chị em ruột cũng không còn ai. Trước sự việc đó, ngày 18-12, tộc Trần ở thôn Ngọc Tú mới tổ chức cuộc họp đột xuất. Trong biên bản cuộc họp có xác nhận của chính quyền địa phương nêu rõ, ông Trần Đen (cha ông Lanh, Lợi) với bà Út là chị em chú bác ruột. Do vậy anh em Lanh, Lợi gọi bà Út là cô. Qua xác minh nguồn gốc họ hàng, tộc họ đã ủy quyền cho anh em Lanh, Lợi nuôi dưỡng, chăm sóc bà Út trong thời gian đến.

Trao đổi với P.V, ông Trịnh Thế Vinh, Khối phố trưởng khối phố Mỹ Thạch Trung (P. Hòa Thuận) nói: “Lúc đầu nghe phản ánh của anh N., bản thân tôi và mọi người dân sống gần đó rất bức xúc. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu, kiểm tra thực tế, tôi nhận thấy nội dung phản ánh của anh N. là sai sự thật, không khách quan”.

B.B