Trao truyền nói lý, hát lý

Thứ bảy, 12/11/2022 19:02
Nói lý, hát lý cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác của đồng bào Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một. Từ thực tế trên, H.Đông Giang (Quảng Nam) đã thành lập và mở rộng nhiều câu lạc bộ (CLB) Nói lý, hát lý để trao truyền cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia này.
Các CLB nói lý, hát lý Cơ Tu thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Các CLB nói lý, hát lý Cơ Tu thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Từ khi chia tách, tái lập (tháng 6-2003) đến nay, H.Đông Giang đã triển khai nhiều chương trình với các giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Cùng với việc phục dựng mái Gươl (nhà truyền thống của làng), nghệ thuật điêu khắc gỗ, lễ hội Tân tung - da dá, dệt thổ cẩm…, các địa phương trong huyện thường xuyên tổ chức lễ hội Pơ'ngooch - lễ kết nghĩa anh em của 2 làng đồng bào Cơ Tu. Trong lễ hội Pơ'ngooch, Nói lý, hát lý được những vị già làng, người có uy tín trong cộng đồng dùng để "đối thoại" với nhau nhằm tìm tiếng nói chung để hòa giải các mâu thuẫn, thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết láng giềng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp.

Nói lý, hát lý là hình thức ứng khẩu trong sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu; dùng hình tượng ẩn dụ, nhân hóa ví cái này hiểu nghĩa cái kia và thường được tổ chức để giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội... Nói lý, hát lý vì thế cần phải có người am hiểu cách diễn đạt, nói và hiểu được "cái lý" với nhau mới đạt được mục đích của Hát lý, nói lý. Trong 5 năm trở lại đây, ngành Văn hóa huyện phối hợp với Huyện Đoàn, các trường học và một số địa phương đã thành lập các CLB Nói lý, hát lý để trao truyền, hướng dẫn các bạn trẻ nói lý, hát lý nhằm phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo này.

Ra mắt và duy trì hoạt động hơn 2 năm qua, mỗi năm học CLB Nói lý, hát lý của Trường THPT Quang Trung (thị trấn P'rao - Đông Giang) có 48 học sinh (HS) tham gia. Gươl truyền thống đồng bào Cơ Tu trong khuôn viên trường là nơi sinh hoạt định kỳ của CLB. Tại các buổi sinh hoạt, các HS trong CLB Nói lý, hát lý nhà trường được các vị có uy tín, các nghệ nhân Cơ Tu nói chuyện về cái hay, cái đẹp của Nói lý, hát lý truyền thống của đồng bào mình. Các em cũng được các nghệ nhân hướng dẫn cách nói lý, hát lý. Em Avô Thị Loan - HS Trường THPT Quang Trung cho biết: "Em cảm thấy tự hào và rất vui khi nhà trường xây dựng một môi trường rất có ích để các em học tập, hiểu biết hơn về phong tục văn hóa của đồng bào Cơ Tu mình. Qua sinh hoạt CLB Nói lý, hát lý tại trường, chúng em vừa hiểu thêm về nghệ thuật Nói lý, hát lý độc đáo của đồng bào, vừa tạo không khí vui tươi, hòa đồng trong sinh hoạt, học tập trong nhà trường".

Ông Nguyễn Xuân Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung cho biết: "Thành lập CLB Nói lý, hát lý để các em giao lưu học hỏi lẫn nhau. Nhà trường mời các vị già làng, trưởng thôn và những người có uy tín đến hướng dẫn, tập cho các em nói lý, hát lý nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và giao lưu với các bạn vùng đồng bằng. Qua đó, cho các em thấy sự quan tâm của nhà trường với bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở H.Đông Giang". Vì cái hay, cái đẹp của nghệ thuật Nói lý, hát lý của đồng bào mình nên nghệ nhân Arất Tiếp (thị trấn P'rao) thường xuyên tham gia nói chuyện và hướng dẫn cách nói lý, hát lý cho HS. "Phải truyền đạt nói lý, hát lý Cơ Tu một cách tốt nhất cho các cháu. Tôi cũng như các già làng, những người am hiểu nói lý, hát lý rất vui vì nhiều HS tiếp thu học hỏi về nói lý, hát lý truyền thống của đồng bào" - nghệ nhân Arất Tiếp nói.

Cùng với CLB Nói lý, hát lý Cơ Tu tại Trường THPT Quang Trung, đến nay, H.Đông Giang đã thành lập thêm CLB Nói lý, hát lý tại thôn Bhờ hôồng (xã Sông Kôn), CLB Nói lý, hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn P'rao) và CLB Nói lý, hát lý thôn Tơngung Abung (xã A Roi). Hầu hết thành viên tham gia các CLB Nói lý, hát lý là HS và đoàn viên thanh niên. Sinh hoạt trong các CLB Nói lý, hát lý, HS và đoàn viên thanh niên được các nghệ nhân Cơ Tu hướng dẫn nói lý, hát lý một cách bài bản. Nội dung nói lý, hát lý tập trung vào việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục; vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới… Anh Y Bôn (người dân xã A Roi) rất hào hứng khi tham gia CLB Nói lý, hát lý tại địa phương. Y Bôn nói: "Tham gia CLB Nói lý, hát lý mình thấy hứng thú, vì đó là bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu mình. Thông qua CLB nhằm tuyên truyền sâu rộng đến thế hệ trẻ và người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, bản sắc của đồng bào; góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn".

Năm 2015, nghệ thuật Nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu ở các huyện miền núi Quảng Nam đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Đó là niềm vui lớn cho cộng đồng người Cơ Tu và những ai quan tâm đến văn hóa Cơ Tu. Tuy nhiên, một thực tế mà chính quyền địa phương, những người làm công tác văn hóa và các nghệ nhân Cơ Tu trăn trở là không ít người trẻ hiện nay không muốn nghe hoặc không hiểu về nói lý, hát lý. Việc trao truyền nói lý, hát lý cũng không phải dễ và không phải địa phương nào cũng làm được. Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND H.Đông Giang, chia sẻ: "Chính vì thế, việc xây dựng và duy trì thường xuyên hoạt động các CLB Nói lý, hát lý của đồng bào Cơ Tu cho HS và thanh niên trên địa bàn huyện là rất cần thiết. Các CLB Nói lý, hát lý tại các địa phương thời gian qua hoạt động rất tốt, được các cấp chính quyền quan tâm thường xuyên".

Thạch Hà