Trật tự mới ở Ai Cập

Thứ sáu, 05/07/2013 12:46

* Tổng thống Morsi bị phế truất từ chối ra nước ngoài

* Chánh án Adli Mansour nhậm chức Tổng thống tạm quyền

* Ít nhất 32 người chết vì bạo lực biểu tình

(Cadn.com.vn) - Quân đội quyền lực của Ai Cập lại nhúng tay vào chính trường, lật đổ Tổng thống được bầu cử Mohamed Morsi để “lập lại trật tự” tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này.

Người Ai Cập đón ánh bình minh với một trật tự chính trị mới nhưng không chắc chắn sau khi quân đội phế truất và giam giữ tổng thống đầu tiên được bầu dân chủ Mohamed Morsi.

Xuất hiện trên truyền hình cùng với giới lãnh đạo quân đội, tôn giáo và các nhân vật chính trị, người đứng đầu lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah Al-Sisi ra tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, đồng thời khẳng định đình chỉ Hiến pháp và bổ nhiệm Chánh án Tòa án Hiến pháp, ông Adli Mansour làm lãnh đạo lâm thời nước này. Trong ngày 4-7, ông Adli Mansour cũng tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tạm quyền. Tuy nhiên, Tổng thống bị lật đổ Morsi từ chối đề nghị rời đất nước để đến Yemen, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

 

Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ bất mãn với hành động của quân đội. Ảnh: CNN 

 

HY VỌNG NÀO CHO DÂN CHỦ?

 

Cuộc đảo chính lật đổ ông Morsi vào tối 3-7 khiến hàng triệu người biểu tình trên các đường phố khắp Ai Cập hoan nghênh. Pháo hoa rợp trời. Những tiếng reo hò không ngớt khi tin về cuộc đảo chính quân sự đến với người biểu tình đứng chật kín Quảng trưởng Tahrir- cái nôi của cuộc nổi dậy “Mùa xuân Arab” 2 năm trước vốn lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak.

Nhưng nó cũng để lại hàng loạt câu hỏi quan trọng chưa có lời giải. Điều gì sẽ xảy ra với ông Morsi, người khẳng định vẫn còn là lãnh đạo hợp pháp của đất nước và những người ủng hộ quan trọng của ông, nhất là Tổ chức Anh em Hồi giáo?. Liệu các cuộc đụng độ lớn vốn đã giết chết 32 người vào hôm 3-7 có tiếp tục lan rộng? Và liệu có còn hy vọng cho nỗ lực xây dựng một nền dân chủ ở Ai Cập?

Tướng Al-Sisi cũng kêu gọi tiến hành bầu tổng thống và Quốc hội cũng như thành lập một ủy ban sửa đổi hiến pháp và ủy ban hòa giải dân tộc bao gồm các phong trào thanh niên. Tuy nhiên, không có nhiều người tin vào lộ trình chính trị mà quân đội vạch ra. “Còn rất nhiều thách thức”, Hani Sabra, Giám đốc Tổ chức Eurasia chuyên nghiên cứu rủi ro chính trị cho biết, nhấn mạnh mối đe dọa của làn sóng bạo lực gia tăng, chia rẽ trong liên minh chống ông Morsi và tai họa kinh tế của Ai Cập.

Ngoài ra, cái khó của quân đội lần này là ông Morsi lên nắm quyền thông qua một cuộc bầu cử được đánh giá là minh bạch và công bằng. Vì thế, hành động của quân đội Ai Cập khiến người ta bất bình. Một số nhà quan sát cảnh báo về nguy cơ phản ứng cực đoan. “Bài học lớn mà người Hồi giáo ở Trung Đông có được là họ sẽ không bao giờ được phép thực thi quyền lực, quyền công dân trong các cuộc bầu cử”, Mohammed Ayoob thuộc Đại học bang Michigan giáo sư danh dự của quan hệ quốc tế nhận định.

 

MỸ VÀ BÀI TOÁN AI CẬP

 

Việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống đắc cử Mohamed Morsi đặt Tổng thống Barack Obama vào tình huống ngoại giao khó khăn.

Hiện tại, Nhà Trắng tỏ ra cực kỳ thận trọng về biến động này. Tổng thống Barack Obama tuyên bố “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Ai Cập đồng thời hối thúc nhanh chóng chuyển sang một chính quyền dân sự thông qua bầu cử dân chủ. Tổng thống Obama cũng tuyên bố chỉ thị cho các cơ quan hữu quan Mỹ xem xét hành động can thiệp của quân đội Ai Cập để xác định mức độ tác động tới nguồn viện trợ của Mỹ.

Tuy nhiên, Nhà Trắng từ chối phê phán quân đội Ai Cập cũng như tránh nhắc đến từ “đảo chính”. Washington cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ai Cập với hàng chục tỷ USD trong suốt hơn 30 năm qua. Và trong những ngày tới, Mỹ sẽ gửi 1,5 tỷ USD viện trợ hằng năm - gần như toàn bộ cho quân đội - cho Ai Cập để thúc đẩy dân chủ Arab. Nhưng nếu Mỹ tuyên bố hành động của quân đội Ai Cập là “đảo chính”, thì theo luật pháp Mỹ, hoạt động viện trợ này phải dừng lại. Và nếu không có tiền từ Mỹ, quân đội vốn rất quyền lực của Ai Cập  chắc chắn sẽ suy yếu.

Về phía quân đội Ai Cập, một số nguồn tin cho rằng, để ngăn chặn khả năng Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt, quân đội cam kết với chính quyền Washington về việc sẽ không nắm quyền lâu dài sau khi lật đổ Tổng thống Morsi và thành lập một chính phủ kỹ trị điều hành tạm thời Ai Cập. Xem ra, cuộc đảo chính ở Ai Cập giống như không phải đảo chính vậy.

Và sự thận trọng của Mỹ cho thấy, Washington có thể đã chấp nhận hành động của quân đội như một cách chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đã làm tê liệt quốc gia có 83 triệu dân này.

Khả Anh