Trầu cau thời hiện tại

Thứ sáu, 01/01/2016 13:34

(Cadn.com.vn) - 1.  Kể ra thì thấy mình cũng... hơi lẩn thẩn, ngược đời, khi giữa thời buổi hiện đại này lại đi nói chuyện trầu cau. Bởi, người già ở thành phố giờ còn mấy ai ăn trầu? Ngay như thôn quê, chẳng phải người già nào cũng còn giữ thói quen ăn trầu.

Vậy nhưng không hiểu sao, khi nhìn thấy bà cụ ngồi ở góc chợ Đống Đa, ngày từng ngày qua, vẫn ngồi đó tẩn mẩn têm từng miếng trầu cau để bán, tôi lại nghĩ đến sự tích trầu cau được nghe kể hồi còn bé tí. Lẩn thẩn tự hỏi, trẻ em hôm nay có còn thích nghe những câu chuyện cổ tích, sự tích như thời chúng tôi? Hay với chúng, chuyện về siêu nhân, chuyện Doremon mới thực sự hấp dẫn...? Cuộc sống, chẳng có gì là bất biến. Theo dòng thời gian, có những giá trị cũ dần mất đi để nhường chỗ cho những giá trị mới hình thành. Dù vậy, tôi vẫn đinh ninh đến cố chấp rằng, sau này dù không còn ai ăn trầu đi chăng nữa thì trầu cau cũng không thể mất đi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Bởi, đấy là nét đẹp văn hóa truyền thống rất đặc biệt và độc đáo của người Việt, như cố sử gia Trần Quốc Vượng từng viết, đó là “giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống...” (Triết lý trầu cau trong “Trong cõi”).

2. Theo cố sử gia Trần Quốc Vượng, triết lý sống của trầu cau không chỉ được thể hiện qua sự lý giải về sự tích ra đời của nó để nói về tình nghĩa anh em, tình nghĩa gia đình, mà còn nói đến một triết lý sống rất nhân văn khác của người Việt, đó là: sự hồi sinh từ sự hối hận. Trong gia đình, nếu anh em bất hòa, chia rẽ sẽ nhận lãnh những kết cục đáng buồn. Trong sự tích trầu cau, sự chia rẽ đó đã đem đến bất hạnh chính là cái chết. Vậy nhưng, nhờ biết hối hận, họ lại được hóa thân vào trầu- cau- vôi để rồi “hòa hợp nơi miếng trầu”. Cố sử gia Trần Quốc Vượng cho rằng, sự hòa hợp tuyệt vời ấy là “một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, tuyệt vời, không cần rao giảng rườm rà như triết lý Tây”, “thiên kinh địa nghĩa” như triết lý Tàu.

Triết lý Việt Nam thường là “triết lý vô ngôn” mà hay. Mà mầu nhiệm. Mà đầy tính “hiệu quả”. Phải chăng, chính vì những triết lý sống rất đẹp và độc đáo ấy, nên dù giờ đây chẳng còn mấy ai ăn trầu cau nữa nhưng trầu cau vẫn hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt? Ngay như ngày nay, trong các lễ cưới hỏi, cúng giỗ, thiếu trầu cau vẫn sẽ là “bất thành lễ”. “Xưa làm nay bắt chước”. Trong giao tiếp của người Việt xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là sự khơi mào, dẫn nhập chuyện duyên dáng đến tinh tế. Trầu cau được xem như là một đạo lý ứng xử độc đáo của người Việt, thể hiện trong các mối quan hệ xã hội: từ tình yêu, tình bạn đến tình làng nghĩa xóm. Khi gia đình có tin vui báo hỷ, người Việt có tục “chia trầu” cho bà con lối xóm. Tục ấy, giờ đây vẫn còn được các gia đình ở nhiều vùng quê gìn giữ. Kể cũng thật diệu kỳ, cái màu xanh thắm của trái cau, lá trầu và cái màu trắng bạc của vôi như cố thi sĩ Hồ Xuân Hương từng ví: “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”, vậy nhưng, khi đem hòa quyện với nhau bằng môi người lại trở thành một màu đỏ thắm tươi- màu của máu, của sự sống...

Trầu cau không thể thiếu trong nghi lễ cưới hỏi. Ảnh: Công Khanh

3. Nhân đây, tôi nhớ đến chuyện đi mua cau đêm 30 Tết năm Ất Mùi. Chiều 30 Tết năm trước, theo thông lệ, gia đình tôi làm mâm cơm cúng mời tổ tiên, ông bà, hương linh thân ruột về chung vui Tết với gia đình. Ba tôi lỡ bày luôn 2 đĩa trầu cau lên mâm cỗ cúng gia tiên (đáng lý ra, 1 đĩa dành cúng giao thừa). Đến lúc phát hiện ra thì nghi thức cúng mời tổ tiên, ông bà đã xong. Tôi tặc lưỡi bảo, để xong việc nhà sẽ chạy ra chợ mua lại trái cau khác. Mãi đến 7 giờ tối mới xong việc nhà. Chạy ra chợ Đống Đa thì chẳng còn trái cau nào. Nhìn sự tất tả của tôi, mọi người thương khuyên chạy lên chợ Tam Giác. Lên đến nơi thì bà cụ bán cau lâu năm nhất ở đây cũng đang chuẩn bị về nhà đón giao thừa. Nghe tôi hỏi mua cau, bà mắng ngay một câu rõ... đau: “Rõ... hư! Đi chợ sao lại quên lễ vật quan trọng như vậy trong ngày Tết. Giờ này còn ai bán trầu cau nữa mà mua! Trầu cau ngày Tết chứ có phải trầu cau ngày thường đâu mà đủng đa, đủng đỉnh!”. Nhưng khi nhìn gương mặt chực mếu máo của tôi, bà lấy làm ái ngại chỉ: “Hay con chạy lên chợ Cồn hoặc chợ nằm phía sau lưng siêu thị gì đó đối diện công viên (siêu thị Nguyễn Kim) thử coi. Rõ... khổ”.

Lại tất tả phóng xe lên chợ Cồn. Chỉ còn một bà cụ hơn 70 tuổi ngồi bán gần cổng chợ phía đường Ông Ích Khiêm. Đèn đường ở khu vực này bị tắt, nhưng tôi vẫn nhìn rõ mặt bà nhờ ánh điện hắt ra từ những hàng quán bên kia đường. Một cụ bà đang ngồi tẩn mẩn với 3 quả cau tươi, tròn mẩy đẹp mắt. Đây cũng là 3 quả cau còn lại trong thúng của bà. Tôi thở dài, hết hy vọng. Nhưng nghe cuộc ngã giá giữa 2 người, tôi quyết định nán lại chờ... vận may! “Bớt chút được không bà? Làm chi mà một quả cau đến 40.000 đồng! Đắt hơn cả thịt cá ngày Tết!”. Bà cụ có vẻ mệt mỏi: “Trời! Chị có mua không để tôi còn dọn hàng về đón giao thừa. Cau năm nay mắc nên bán đắt, chứ tôi nào muốn lên giá đâu. Mà chị nhìn trái cau xem. Tôi toàn lựa cau to, tròn mây mẩy chứ không bán những trái cau trong chậu kiểng đâu. Cau vườn hẳn hoi đó...”.

Thấy người phụ nữ nọ lần lữa nửa muốn mua, nửa không, tôi nhào tới đưa ngay tiền cho bà cụ: “Bà ơi! Cho con một trái đi!”. Bà cụ nhìn người phụ nữ hỏi: “Chị có mua không, để tôi còn bán cho cô này...”. “Mua chứ răng không! Nhưng... trời ơi! Dễ sợ thiệt, 3 quả cau mà đến...120.000 đồng!”. Tôi nằn nì chị bớt lại cho một quả vì chẳng biết mua ở đâu, nhưng chị từ chối. Chạy xe lên chợ sau siêu thị mà bụng đánh lô tô. Nếu không có, chắc nguyên cả cái Tết, tôi sẽ bị... ăn mắng của ba. Ông thường bảo: “Thiếu món chi cũng được, nhưng mâm cỗ mà không có trầu, cau, rượu là xem như “bất thành lễ”. May sao, vẫn còn hai hàng bán trầu cau dù trái bé xíu, lại xấu xí, cằn cỗi với giá 20.000 đồng/trái. Vậy mà ai cũng nhào đến mua!

Đem câu chuyện mua cau đêm 30 kể làm chuyện quà Tết, tôi nhận ngay sự hưởng ứng của chị bạn: “Không hiểu sao, Tết năm nay (Ất Mùi) trầu cau đắt dễ sợ luôn, gấp đến 3, 4 lần ngày thường. Mua thịt cá cả mấy trăm ngàn đồng để ngoài xe không sợ mất, vậy mà chỉ lo giữ khư khư mấy trái cau, sợ mất! Kể cũng lạ thiệt”...

4. Khi tôi lẩn thẩn viết ra những dòng chữ này thì mùa cưới 2015 ở miền Trung đang đi sắp gần hết nửa chặng đường. Nhìn gia đình nhà trai xúng xính trong những trang phục hiện đại, bước xuống từ những chiếc ô-tô sang trọng, trên tay của những người bưng mâm quả lễ, tôi lại như được củng cố thêm niềm tin: giá trị đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt sẽ không dễ dàng bị mất đi. Nó vẫn sẽ được gìn giữ như là một nghi thức thể hiện sự tốt lành. Dù rằng, mai đây chẳng còn có ai ăn trầu cau đi chăng nữa.

Chợt lẩn thẩn hỏi, không biết Tết Bính Thân năm nay, trầu cau có còn đắt như năm Ất Mùi!?...

Tạp bút: P.Thủy