Trẻ mồ côi Thổ Nhĩ Kỳ bị mắc kẹt tại Iraq
Khi các tay súng Thổ Nhĩ Kỳ đến Iraq và Syria gia nhập nhóm cực đoan IS, nhiều người đã mang theo gia đình đến đây. Khi các tay súng này bị dạt ra khỏi các thành phố ở Iraq, các nhà chức trách hiện đang phải vật lộn để xác định phải làm gì với hàng trăm người vợ và trẻ mồ côi bị bỏ lại.
Những đứa trẻ tại trại trẻ mồ côi ở Baghdad. Ảnh: BBC |
Chờ được dẫn độ về nước
“Tất cả những gì tôi biết là chúng đang ở trong một trại trẻ mồ côi ở Baghdad”, bà Ummugulsum nói về hai cô cháu gái của mình. Mỗi khi nhớ cháu, bà Ummugulsum lại lấy bức ảnh họ chụp cùng trước đây ra vuốt ve và xem nó như một đồ vật thiêng liêng.
Các cô gái, 12 và 9 tuổi, bây giờ là trẻ mồ côi. Cha mẹ của các em rời Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập IS ở Syria. Ông nội, bà nội và các chú cũng vậy. Cha của các em bị giết ở Raqqa. Mẹ cũng thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở thành phố Tal Talar, Iraq. Chỉ có bà ngoại vẫn còn sống, nhưng hiện đang bị giam trong một nhà tù ở Iraq. Không có nơi nào để đi, hoặc không có thành viên gia đình nào chăm sóc họ, các cô gái được đưa đến một trại trẻ mồ côi ở Baghdad, và đang chờ đợi để được đưa về nước. Bà Ummugulsum biết được nơi ở của họ vài tháng sau đó.
Tại trại trẻ mồ côi ở Baghdad, 15 trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ khác đang chờ đợi để được đưa trở lại gia đình của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Iraq cho biết, thủ tục dẫn độ đang được thực hiện. Vào tháng 12-2017, một cậu bé người Thổ Nhĩ Kỳ 7 tuổi đã bị đưa tới Iraq sau nhiều nỗ lực của chính phủ và cơ quan tình báo. Các nhà chức trách xác định, cha cậu bé bị giết trong khi đang chiến đấu cho IS ở Iraq, và sau 4 tháng đàm phán ngoại giao, cậu bé đã gặp mẹ lần đầu tiên trong vòng 3 năm.
“Chúng tôi rất hạnh phúc khi cậu bé được đoàn tụ với mẹ, nhưng chúng tôi cũng muốn gặp các cháu gái của mình. Cậu bé ấy là một đứa trẻ, cháu gái của tôi cũng là những đứa trẻ, sao chúng không được đưa về nhà? Tôi cầu nguyện chúng tôi sớm gặp lại nhau”, bà Ummugulsum nói.
Những ngày đầy đau đớn
Khi quân đội Iraq chiếm thị trấn Tal Afar từ tay IS vào tháng 8-2017, khoảng 1.700 phụ nữ nước ngoài và trẻ em phải đầu hàng chính quyền.
Họ đã được chính quyền địa phương xác định là “các thành viên trong gia đình của IS”. Phần lớn phụ nữ, bao gồm cả người Đức, người Pháp, người Nga, bị cáo buộc trợ giúp IS và phải đối mặt với những cáo trạng. Luật chống khủng bố ở Iraq quy định những người bị cáo buộc trợ giúp một tổ chức khủng bố có thể bị kết án tử hình, ngay cả khi họ không có hành động khủng bố. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội đã chỉ trích các vụ xét xử này. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Thế giới (HRW) cho rằng, trong nhiều trường hợp, không có bằng chứng nào cho thấy phụ nữ tham gia bạo lực.
Trong một nhà tù ở Baghdad, hơn 300 phụ nữ và 600 trẻ em có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đang bị giam giữ. Ít nhất 50 phụ nữ đã bị kết án tử hình, trong khi 18 người khác nhận án tù chung thân. Gia đình họ đang cầu xin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ. Tuy nhiên, không giống như trẻ em, Ankara không thông cảm với các trường hợp này.
Cô cháu gái 32 tuổi của bà Fadime hiện đang bị bỏ tù ở Baghdad cùng với con gái 7 tuổi và con trai 2 tuổi. “Đối với chúng tôi, mỗi ngày đều đầy đau khổ, cháu gái tôi còn sống hay đã chết, còn những đứa trẻ khác thì sao? Mỗi ngày chúng tôi đều nghĩ về chúng”, bà Fadime chia sẻ. Bà Fadime cho biết, cháu gái mình bị ép buộc đến Syria khi chồng cô đe dọa bắt cóc hai con của họ. Họ đã có hai con trai và cô gái đang mang thai đứa con gái 7 tuổi khi cả gia đình kéo đến Syria. Tại Syria, cô cháu gái sau đó đã sinh đứa con thứ 4 - đứa trẻ 2 tuổi hiện đang ngồi tù cùng cô. Chồng cô gái bị giết ở Syria, và 2 đứa con lớn của họ thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Tal Talar vài tháng sau đó. Bà Fadime cảm thấy tức giận vì quá dễ để đến Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Giống như đi chợ khi đến Syria, và bây giờ, các bức tường đang được xây dựng, nhưng tại sao họ lại để tất cả những người này đi đến đó?”, bà Fadime bày tỏ.
Hàng ngàn người nước ngoài đã chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria kể từ năm 2014. Nhiều phụ nữ nước ngoài đã tự đến đây hoặc bị đưa đến đây để gia nhập nhóm. Đầu năm nay, một phụ nữ người Đức bị kết án tử hình vì là thành viên của IS, trong khi Iraq giao cho Nga 4 phụ nữ và 27 trẻ em bị tình nghi liên quan đến nhóm cực đoan này. “Những phụ nữ này không được vũ trang, những đứa trẻ này vô tội. Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ đó nếu mẹ của họ bị treo cổ ngay trước mắt? Họ đã bị cha biến thành nạn nhân. Chúng tôi đau đớn khi nghĩ về những đứa trẻ Chúng tôi sợ hãi”, bà Fadime nói.
AN BÌNH