Trên đỉnh cột cờ Lũng Cú

Thứ tư, 22/06/2022 15:48
Sau những ngày mưa lạnh của đợt gió mùa Đông Bắc, Hà Giang lại bừng lên đón những ngày nắng ráo. Lên cao nguyên đá Đồng Văn lần này, tôi cùng những người trong cuộc rất háo hức và ao ước được đến địa danh Lũng Cú để được tận hưởng những cảm xúc tràn đầy khi tận mắt chứng kiến lá cờ Tổ quốc có diện tích 54m2 tung bay phần phật giữa trời xanh trên đỉnh núi Rồng một cách kiêu hãnh.
Thăm Khu nhà làm việc của Bác ở di tích Đá Chông-K9.
Những cung đường cheo leo, hiểm trở bên những dãy núi đá dựng đứng.

Cảm giác mỗi người cứ lâng lâng, bồng bềnh trên mỗi chặng đường xe qua. Cảnh vật núi đá cheo leo, bên bờ vực thẳm hun hút, mây trắng lưng đèo làm ai nấy đều cản thấy rạo rực trong lòng. Suốt chặng đường từ thị trấn Đồng Văn đến chóp Lũng Cú, đâu đâu cũng gặp đá. Hai bên vách đá dựng đứng, dòng sông Nho Quế uốn lượn, trải dài ngút tầm mắt. Đang vào thời điểm nắng đẹp nên Hà Giang cũng trở nên rực rỡ hơn với những sắc màu hoa lá. Những bản làng và cả rất nhiều thung lũng trồng đầy hoa tam giác mạch. Chuyến đi lần này theo như cách nói của người dân bản địa là “Hành trình lên nơi khởi nguồn sự sống”.

Trên hành trình ngược lên Lũng Cú, anh Nghiền Văn Út, một hướng dẫn viên du lịch người dân tộc Nùng kể với tôi: “Theo sử sách ghi lại, cột cờ Lũng Cú có từ thời Lý, được Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất biên thùy cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Qua bao nhiêu thăng trầm, đổi thay, đến nay cột cờ có tổng chiều cao hơn 33 mét, được thiết kế hình bát giác. Tám mặt chân cột được mô phỏng theo hoa văn trống đồng Đông Sơn và minh họa những thời kỳ khác nhau của đất Việt”. Nói đến đây, anh Út cười: “Nếu may mắn chắc chắn có người trong chúng ta sẽ được chạm tay được vào lá cờ ở độ cao một ngàn bảy trăm mét so với mực nước biển. Đây là điều mà không phải vị khách nào muốn là được đâu!”. Qua câu chuyện với anh Út mới biết thêm rằng, cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam, cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3km theo đường thẳng. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn nước được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân tộc hai bản sử dụng. Đường lên Cột cờ Quốc gia Lũng Cú được xây dựng với tổng số 839 bậc thang. Giữa các chặng có nhà chờ để khách du lịch dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh. Nhìn từ phía dưới lên, cột cờ Lũng Cú sừng sững trên đỉnh núi cao, lá cờ sao vàng tung bay trong gió. Mỗi bước đi trên bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ, mỗi người có thể trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Cầu thang xoắn ốc 140 bậc có lối đi hẹp và ánh sáng vừa đủ sẽ dẫn lên cao. Cảm giác đứng trên điểm cao nhất của cực Bắc, tự tay chạm vào lá cờ thiêng liêng quả là tuyệt vời.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cạnh lá cờ Tổ quốc trên đỉnh Lũng Cú.

Thật may, lần này, tôi và một vài người trong đoàn lại có diễm phúc đó. Chỉ một chút lặng gió, chúng tôi đã được chạm tay vào lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc ở điểm cực Bắc này. Khó có thể nói hết cảm xúc dâng tràn và niềm hạnh phúc quá bất ngờ chợt đến. Sau đó chỉ chưa đầy một phút những đợt gió lớn tràn về, lá cờ lại tung bay hùng vĩ giữa đất trời biên cương.

Rời Lũng Cú, chúng tôi trở về khu di tích Đá Chông - K9 ở Ba Vì, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Đây là vùng đất rất vinh dự được Bác Hồ nhiều lần về thăm, làm việc. Đá Chông-K9 cũng vinh dự được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn là nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh (1969-1975), thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.

Thăm Khu nhà làm việc của Bác ở di tích Đá Chông-K9.

Truyền thuyết kể lại rằng, đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời tiền sử. Theo trí tưởng tượng trong dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi Đá Chông. Chính nơi đây, vào tháng 5-1957, sau khi đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật Trung đoàn bộ binh tăng cường tiến công quân địch phòng ngự, Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc của Bác và Trung ương. Ngày 23-2-1958, Bác Hồ lên thăm và xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông. Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh xây dựng một số ngôi nhà trong khu vực Đá Chông. Từ đó, nơi đây trở thành khu căn cứ địa, nơi làm việc, nghỉ ngơi của Bộ Chính trị, tiếp các đoàn khách quốc tế của nước ta trong suốt thời kỳ từ năm 1960-1969. Đặc biệt hơn nữa sau khi Bác mất vào ngày 2-9-1969, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định gìn giữ lâu dài thi hài của Bác. Đá Chông - K9 của huyện Ba Vì lại một lần nữa vinh dự được chọn làm nơi giữ gìn thi hài và bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của Người.

Về thăm Cột cờ Lũng Cú, thăm Khu Di tích Đá Chông-K9 lịch sử, di tích gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi in dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới sống và làm việc trong những năm tháng cách mạng… giúp mỗi người dân Việt càng thêm tự hào, càng cố gắng hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình vào việc giữ gìn, nâng cao giá trị đạo đức, phát triển nền tảng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

LÊ PHƯƠNG