Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống lực lượng PCCC và 19 năm Ngày toàn dân PCCC:

Trên "mặt trận" không tiếng súng (2)

Thứ bảy, 03/10/2015 07:00

* Bài cuối: Huy động sức mạnh toàn dân tham gia PCCC

(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn Đà Nẵng đã có những chuyển biến tích cực, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả từ các điểm cháy không để cháy lan cháy lớn, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. 

"Phải biết tự cứu mình"

Trở lại vụ cháy nhà kho lầu 3 số nhà K10/36 đường Phan Văn Nghị, Q. Thanh Khê lúc 13 giờ ngày 5-10-2014, khi xảy ra cháy, vợ chồng chủ nhà đang nghỉ trưa ở tầng trệt nên không hề hay biết trên tầng lầu có khói. Đến khi những người đi đường phát hiện thì lửa đã bùng phát, lan rộng. Nhân dân trong cụm dân cư này đã dùng 5 bình chữa cháy xách tay được trang bị chạy lên lầu dập lửa, hạn chế cháy lây lan các hộ lân cận để chờ lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp ứng… Điều đáng nói trong việc chữa cháy thành công vụ cháy này, là ngoài sự nỗ lực của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thì phải kể đến lực lượng chữa cháy tại chỗ. Nếu không có lực lượng này cùng dụng cụ chữa cháy ban đầu để khống chế ngọn lửa thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Nhận thấy được vai trò và tầm quan trọng của việc chủ động phòng ngừa, phát hiện và chữa cháy kịp thời, thời gian qua tại địa bàn Q.Thanh Khê, hưởng ứng phong trào mỗi hộ gia đình phải có bình chữa cháy xách tay do Ủy ban MTTQVN TP phát động, bên cạnh việc xây dựng cụm dân cư PCCC, bằng nhiều cách làm khác nhau Q.Thanh Khê đã vận động được gần 100% hộ gia đình, cơ quan, trường học trên địa bàn trang bị dụng cụ chữa cháy tại chỗ.

Khu dân cư số 18 P.Vĩnh Trung là một trong những địa phương có mô hình hay về xây dựng cụm dân cư an toàn PCCC của Thanh Khê. Với 2 tổ dân phố và gần 50 hộ gia đình, đa số buôn bán nhỏ lẻ, thực hiện CVĐ toàn dân tích cực tham gia PCCC gắn với phong trào mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay, trong vòng một tháng, toàn khu dân cư này đã trang bị đầy đủ các thiết bị chữa cháy tại chỗ. Các dụng cụ chữa cháy công cộng như cầu thang cứu hộ, búa, xẻng cùng các tiêu lệnh chữa cháy, áp phích tuyên truyền thường được bày dán ở những nơi dễ nhìn, dễ lấy.

Ông Nguyễn Kim Hồ, Cụm trưởng cụm dân cư an toàn phòng cháy số 18, P. Vĩnh Trung cho biết: "Khi có chủ trương của phường, cấp ủy và chi bộ chúng tôi hoàn toàn thống nhất vì thấy đây là chủ trương hết sức thiết thực nhằm phòng ngừa tại chỗ. Sau một tháng triển khai vận động, quán triệt và được nhân dân đồng tình ủng hộ, 100% hộ dân ở cụm dân cư đã trang bị xong bình cứu hỏa".

Bên cạnh việc vận động người dân tự trang bị bình chữa cháy, mời cán bộ chuyên trách hướng dẫn cách sử dụng cũng như thực tập phương án cứu nạn, dập lửa tại chỗ, cụm dân cư 18 còn tổ chức tháo dỡ phần che chắn, lấn chiếm hành lang an toàn tạo thuận lợi cho xe chuyên dụng vào tác nghiệp. Hộ ông Đào Hữu Minh, buôn bán tạp hóa tại tổ 110 tự nguyện trang bị đến 3 bình chữa cháy cùng các dụng cụ dập lửa đặt ngăn nắp ngay cửa đi vào, sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. "Thông qua việc tuyên truyền của cơ quan chức năng, trực tiếp là CAQ Thanh Khê và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã tự trang bị dụng cụ chữa cháy ban đầu, bởi chúng tôi xác định khi có cháy xảy ra thì mình phải tự cứu mình trước", ông Minh nói.

Để đạt được 100% hộ dân có bình chữa cháy, bên cạnh việc tự nguyện của người dân, thì vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền từ phường đến tổ dân phố rất quan trọng. Với các hộ nghèo không có điều kiện mua sắm bình chữa cháy, cách làm hiệu quả ở Thanh Khê là mặt trận đứng ra vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Được biết với cách làm này, trong năm 2014 Q.Thanh Khê đã xây dựng được 223 "Cụm dân cư an toàn về PCCC" theo từng mô hình cụ thể với gần 3.600 đội viên dân phòng làm nòng cốt, đạt lỷ lệ hơn 99% trên giao.

Cảnh sát PCCC và CNCH tiến hành diễn tập PCCC nhằm nâng cao năng lực, phản ứng kịp thời khi có sự cố xảy ra. 

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng PCCC          

Có thể nói, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ủy ban MTTQVN TP và các tổ chức thành viên trong việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCCC nói chung và phong trào toàn dân PCCC nói riêng. Từ đó, ý thức trách nhiệm của người dân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC có những bước chuyển biến tích cực. Nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp và các chợ trên địa bàn thành phố đã đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt hệ thống chữa cháy ban đầu, chủ động mời lực lượng Cảnh sát PCCC đến tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức PCCC cho cán bộ, CNV và người lao động. Đây là lực lượng nòng cốt trong phong trào PCCC và xử lý ban đầu các tình huống có cháy, nổ xảy ra.

Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC và CNCH Đà Nẵng cho biết: Trong năm 2014, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể từ thành phố đến cơ sở thì phong trào toàn dân tham gia PCCC - CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của người dân được nâng cao; công tác xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến được người dân tham gia tích cực và được sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và người đứng đầu ở cơ sở; đã củng cố được lực lượng PCCC, trong đó có lực lượng dân phòng chuyên ngành ở các khu dân cư, lực lượng PCCC ở các đơn vị, địa phương. Hiệu quả thấy rõ là trong 124 vụ cháy xảy ra thì có 65 vụ là do nhân dân và lực lượng cơ sở phát hiện, dập tắt từ ban đầu, góp phần đáng kể vào giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và đặc biệt là không để cháy lớn, cháy lan xảy ra.

Cũng theo Đại tá Hai, tính đến tháng 6-2015 đã xây dựng mới 57 cụm dân cư, nâng tổng số cụm dân cư an toàn PCCC lên thành 749/824 "Cụm dân cư an toàn PCCC" được xây dựng và tiếp tục củng cố, nâng cao. Hiệu quả của các mô hình được phát huy, trong 6 tháng qua, có 34 sự cố về cháy được nhân dân và lực lượng PCCC tại chỗ phát hiện, tổ chức dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn; ý thức phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ được nâng lên, đến nay phần lớn các hộ dân tại các quận trung tâm đã tự trang bị bình chữa cháy, đa số người dân biết cách sử dụng bình chữa cháy…

Đà Nẵng là thành phố năng động đã và đang không ngừng phát triển về mọi mặt, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, tình hình cháy, nổ ngày càng diễn biến phức tạp, vì vậy đòi hỏi công tác PCCC phải được quan tâm đúng mức. Dẫu biết rằng vẫn còn những khó khăn trước mắt, nhưng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ góp phần giảm thiểu số vụ và những thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra.

Doãn Hùng

* ĐÀ NẴNG - Chiều 2-10, Đại tá Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc cùng lãnh đạo các phòng, đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP đã đến thăm, chúc mừng Cảnh sát PCCC và CNCH thành phố nhân kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống và 19 năm Ngày toàn dân PCCC.

Thay mặt lãnh đạo CATP, Đại tá Lê Thanh Hải chúc mừng và ghi nhận những thành tích, chiến công của lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH thành phố trong thời gian qua. Đồng chí mong muốn giữa hai lực lượng CATP và Cảnh sát PCCC - CNCH thời gian tới tiếp tục có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, kết hợp với triển khai công tác PCTP, đảm bảo ANTT, triển khai chữa cháy kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhà nước và nhân dân khi có sự cố xảy ra.

Thay mặt lãnh đạo, CBCS, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC - CNCH thành phố gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới tập thể lãnh đạo, CBCS CATP, đồng thời hứa sẽ tiếp tục đưa mối quan hệ phối hợp truyền thống, tốt đẹp giữa hai lực lượng ngày càng hiệu quả và toàn diện hơn…

Doãn Hùng