“Tri ân quá khứ, tiếp lửa truyền thống”!
(Cadn.com.vn) - Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã trải qua bao cuộc kháng chiến anh hùng chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên lĩnh vực quân sự rất phong phú, quý giá và đáng tự hào. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là trách nhiệm, nghĩa vụ lớn lao của mọi thế hệ người Việt Nam, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, từ năm 2008 đến nay, Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động và tổ chức Cuộc vận động (CVĐ) sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”.
Có thể nói, miền Trung – Tây Nguyên là một trong những địa phương diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây cũng là nơi có nhiều liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, nhiều Bà mẹ VNAH nhất cả nước... Vì vậy, nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2010), ngày 24-7 vừa qua, TCCT QĐND Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan, Bộ Tư lệnh QK5 tổ chức cuộc giao lưu và tiếp nhận kỷ vật kháng chiến với chủ đề “Tri ân quá khứ - Tiếp lửa truyền thống”.
Đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, là dịp để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng, liệt sĩ - những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của cả dân tộc.
Đến dự buổi giao lưu có các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Chủ nhiệm TCCT, Trưởng Ban; Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Phó Chủ tịch T.Ư Hội CCB Việt Nam, Ủy viên BCĐ CVĐ; Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn - Phó Tư lệnh QK5; Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn - Cục trưởng Cục Tuyên huấn, TCCT; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên – TBT Báo QĐND; Đại tá Nguyễn Xuân Năng – GĐ Bảo tàng LSQS Việt Nam, Trưởng ban tổ chức và đại diện BCHQS tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; các nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu và trao tặng kỷ vật, cán bộ, chiến sĩ QK5, Sư đoàn 327, 375, Vùng 3 Hải quân, tuổi trẻ Đà Nẵng...
Anh hùng LLVTND Thiếu tướng Lê Mã Lương – người đã có thời gian hơn 40 năm trong quân ngũ, tham gia chiến đấu hàng trăm trận, nhiều chiến dịch lớn nhỏ trên khắp các chiến trường, đặc biệt có nhiều năm lăn lộn chiến đấu trên chiến trường Khu 5 và với ông, mảnh đất này đã chất chứa rất nhiều kỷ niệm khi ông trực tiếp tham gia vào chiến dịch Thượng Đức năm 1974 và chiến dịch giải phóng Đà Nẵng năm 1975 với cương vị là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304).
![]() |
Ban tổ chức tặng hoa và Giấy chứng nhận trao tặng kỷ vật kháng chiến. |
“Chiến dịch Thượng Đức đã in đậm trong tôi những ký ức khó phai mờ, đến giờ, tôi vẫn tự hỏi vì sao những người lính bằng xương bằng thịt như chúng tôi có thể chịu đựng được sự khốc liệt đến như vậy. Chúng tôi hành quân bộ, những bàn chân trần rớm máu nhưng vẫn băng qua những dãy núi cao ngất, lội qua suối sâu để đưa quân vào vị trí. Đơn vị của tôi được lệnh chốt giữ ở đỉnh 1062. Địa hình ở đây rất hiểm trở, từ chân núi nhìn lên thấy cao vời vợi. Không có nước uống, khát đến cháy cổ, việc tiếp tế vô cùng khó khăn, không thể nấu được cơm, chỉ có cơm nắm và gạo sấy. Trên trời máy bay của địch dội bom Napalm, bom bi, dưới đất pháo bầy dập liên hồi. Đỉnh 1062 là một rừng cây cổ thụ bỗng chốc trở nên tan hoang, xơ xác như đồi trọc vì bom đạn. Bất chấp bom đạn, đói khát, Trung đoàn 24 quần nhau với địch, không cho lính dù tái chiếm, có lúc phải dùng lê, dao găm đánh giáp lá cà... Rất nhiều chiến sĩ của Trung đoàn tôi đã hy sinh trên đỉnh 1062. Chiến trường Quảng Trị đối với tôi vô cùng ác liệt thì ở đây cũng như vậy. Đối với tôi, chiến dịch Thượng Đức là một khúc ca bi tráng...”, Thiếu tướng Lê Mã Lương kể với niềm xúc động dạt dào... Và kỷ vật mà đồng chí tặng lại cho chương trình là chiếc bi đông đựng nước và một số kỷ vật quan trọng khác đã theo đồng chí trên khắp các nẻo đường chiến đấu.
Sinh năm 1930 tại thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo, H. Hoài Ân (Bình Định), với 36 năm trong quân ngũ, Anh hùng LLVT Trần Kim Hùng đã trải qua nhiều cương vị khác nhau từ Tiểu đội trưởng đến Tham mưu phó Sư đoàn 859, lăn lộn chiến đấu ở chiến trường, lập nên những kỳ tích xuất sắc. Những trận đánh nổi tiếng như phá hủy sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu, diệt chi khu quân sự Hiệp Đức...
Đất nước hòa bình, sau khi nghỉ hưu gần 20 năm qua, đồng chí đã chắt chiu những đồng lương ít ỏi của mình, lặn lội vớt rong biển, nuôi heo lấy tiền, vác ba lô trên vai đi tìm đồng đội vẫn còn nằm lại chốn rừng sâu. Đồng chí đã cùng đồng đội cất bốc hơn 300 mộ liệt sĩ, đưa họ về với người thân sau bao nhiêu năm mòn mỏi mong chờ tưởng chừng vô vọng.
Tại buổi giao lưu, đồng chí đã tặng lại cho Ban tổ chức “cuốn nhật ký” chiến trường mà đồng chí xem nó như “bảo vật” của mình. “Tôi rất thích ghi nhật ký. Nhật ký là người bạn tri kỷ của tôi, cùng tôi chia sẻ những nỗi niềm buồn vui, ghi chép những trận đánh mà tôi tham gia, chỉ huy. Quả thật đối với tôi, cuốn nhật ký còn quý hơn cả vàng. Tôi đã ghi chép những ký ức của mình những năm tháng trận mạc.
Phần quan trọng trong cuốn sổ nhật ký là những bức vẽ sơ đồ, diễn biến các trận đánh, tên đồng đội hy sinh kèm theo hồ sơ mộ chí, nơi chôn cất liệt sĩ. Cuối mỗi trang tôi đều viết: “Hết chiến tranh, nếu còn sống, tôi sẽ lên đón các đồng chí về”. Sau khi nghỉ hưu, tôi đã thực hiện tâm nguyện này với những người đồng đội đã ra sống vào chết với tôi nơi trận mạc”, đồng chí Trần Kim Hùng bộc bạch lòng mình.
Trung tướng, Anh hùng LLVTND Võ Tiến Trung sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha là cụ Võ Miễn, Trưởng ban cướp chính quyền tại xã Duy Mỹ, H. Duy Xuyên trong Cách mạng tháng Tám. Tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 12 tuổi, đồng chí đã tham gia đánh giặc, trưởng thành từ Tiểu đội trưởng đến Sư trưởng, Phó Tư lệnh QK5, Phó GĐ Học viện Quốc phòng. Đồng chí đã chiến đấu và chỉ huy chiến đấu hàng trăm trận, 7 lần là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt xe cơ giới, dũng sĩ bắn máy bay..., được tặng thưởng 16 Huân chương các loại, được phong tặng Anh hùng LLVTND.
![]() |
Ban tổ chức tiếp nhận kỷ vật kháng chiến (ảnh tư liệu). |
Với Trung tướng, kỷ niệm nhớ nhất là vào tháng 1-1967, QK5 cử một đoàn cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu (khi đó đồng chí đang là thiếu niên) vào Trung ương Cục miền Nam để báo cáo kinh nghiệm đánh Mỹ. Đồng chí được Bộ Tư lệnh Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì về thành tích diệt Mỹ - ngụy. Tại đây, đồng chí vinh dự được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khen ngợi và hỏi chuyện chiến đấu.
“Khi kể cho Đại tướng nghe những trận đánh đã tham dự xong, tôi bẽn lẽn trình bày: Thưa bác, cháu được tặng thưởng Huân chương, phần thưởng lớn nhất đối với cháu từ trước tới nay nhưng xin bác đổi cho cháu thứ gì để cháu có thể đánh được địch. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ôm tôi vào lòng cười lớn rồi lệnh cho đồng chí cận vụ vào lấy một khẩu súng và một hộp kíp mìn trao cho tôi. Tôi đã sử dụng súng và kíp mìn chiến đấu nhiều trận tại cầu ông Nở, chợ Hòa Mỹ... và diệt được rất nhiều Mỹ - ngụy”, đồng chí Võ Tiến Trung xúc động với kỷ niệm đáng nhớ nhất đời mình.
Cũng tại buổi giao lưu, đồng chí đã tặng lại khẩu súng K54 – vật kỷ niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và khẩu súng Browning – kỷ vật của người cha thân yêu để lại cho CVĐ sưu tầm và giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến”.
Cũng trong chương trình giao lưu, rất nhiều các nhân chứng lịch sử, anh hùng LLVT, chiến sĩ cách mạng tiền bối, thân nhân liệt sĩ đã kể lại những câu chuyện đáng nhớ của đời mình, đồng thời trao tặng cho chương trình nhiều kỷ vật quý giá, mang tầm vóc lịch sử to lớn. Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Chủ nhiệm TCCT, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ cho biết: Tính đến nay, CVĐ đã tiếp nhận hơn 10.000 kỷ vật kháng chiến, trong đó có nhiều kỷ vật quý có giá trị rất to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học.
Song song với CVĐ, Ban tổ chức còn phát động Cuộc thi viết về “Những kỷ vật kháng chiến” vào tháng 6-2009. Cuộc thi đã được CCB và nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng, tham gia. Sơ kết đợt I vào tháng 4-2010, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và nhiều giải Khuyến khích cho các bài viết xúc động. Ngoài ra còn 2 giải thưởng được trao cho những người tích cực vận động, sưu tầm kỷ vật kháng chiến. Các bài viết sẽ được tập hợp để in trong sách “Những kỷ vật kháng chiến”.
Tại cuộc giao lưu, thay mặt Ban chỉ đạo CVĐ, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng đề nghị tiếp tục tuyên truyền hiến tặng kỷ vật kháng chiến, đồng thời tổ chức nhiều cuộc triển lãm lưu động nhằm giới thiệu những kỷ vật đến với nhân dân các địa phương trên cả nước.
Bài, ảnh: Doãn Hùng