Tri ân từng mảnh đất, con người…

Thứ sáu, 15/07/2022 16:49
Hãy đến vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong những ngày này, chúng ta sẽ thấy mạch nguồn yêu thương cứ chảy chung dòng, một mâm cúng cơm có hàng trăm đôi đũa cho những liệt sĩ có tên và chưa biết tên, mỗi một nén nhang tri ân cũng tỏa khói hương vô tận. Trong tổng số 5.081 phần mộ tại 11 nghĩa trang liệt sĩ xã hiện nay thì có 2.302 phần mộ có đầy đủ thông tin, 389 phần mộ có một phần thông tin, 1.605 phần mộ chưa xác định thông tin, 785 phần mộ vong (mộ không có hài cốt).
Nhân dân, cán bộ xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) nêu gương, học tập các anh hùng liệt sĩ.
Nhân dân, cán bộ xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) nêu gương, học tập các anh hùng liệt sĩ.

Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ “ốc đảo” Trường Định (xã Hòa Liên) nằm ven sông Cu Đê cũng đã trải qua bao giai đoạn bị tàn phá, hết kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Làng quê luôn chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân trong thôn sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Theo ông Võ Văn Thành - Trưởng thôn Trường Định, thời ấy, dân làng chỉ vài chục hộ luôn bị địch đóng quân ở Đèo Hải Vân, Bến đò Trường Định sách nhiễu. Họ nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy nguỵ quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà càng gieo thêm nỗi căm hờn. Trường Định luôn là địa bàn trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt, một phần vì đây là cửa ngõ từ miền xuôi lên với địa thế hiểm trở nên có nhiều cơ quan, đơn vị độc lập ở cánh Bắc Hòa Vang chọn làm nơi trú quân, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng quê hương… Đất nước thống nhất, những chiến công và cả những hy sinh mất mát, “ốc đảo” Trường Định được Đảng và Nhà nước vinh danh 28 Bà mẹ VNAH, 118 liệt sĩ, hầu hết hộ dân trong thôn là gia đình có công cách mạng.

Còn ở thôn La Châu (xã Hòa Khương), An Trạch (xã Hòa Tiến) trong những năm chống Mỹ, người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác ven sông Yên làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm dọc lũy tre ven sông luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân đào hầm bí mật và giao thông hào để khi có “động tĩnh”, các cơ sở cách mạng rút lui an toàn qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào căn cứ cách mạng đều thất bại.

Các bến đò La Châu, An Trạch đã trở thành cung đường huyết mạch. Tất cả lương thực, đạn dược được người dân vận chuyển cất giấu dưới những căn hầm bí mật ven sông, rồi cùng bộ đội chờ đêm tối vượt sông an toàn. Hình ảnh của những bà mẹ thầm lặng chèo ghe đưa cán bộ, bộ đội và nhu yếu phẩm qua lại giữa hai bờ sông dưới làn mưa bom bão đạn của địch đã khắc họa một cách rõ nét nhất về tinh thần anh dũng, bất khuất của dân làng. Hòa bình lập lại, các thôn La Châu, An Trạch được ghi công 82 Bà mẹ VNAH, 275 liệt sĩ…

“Sông Yên không dài, không rộng nhưng lại thấm đẫm dấu ấn của thời gian, ghi nhận những chiến công oai hùng của một thời đánh giặc giữ nước. Thế hệ chúng tôi lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng và không ít người hy sinh ngay trên mảnh đất mà cha mẹ đã sinh ra mình”- bà Đặng Thị Tuyết (thôn An Trạch) bồi hồi nhớ lại.

Cùng với đó, những chiến tích vang vọng khí thế hào hùng của một thời đánh giặc giữ nước: trận tiến công tiêu diệt 1 Đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ chốt giữ trong công sự kiên cố ở cứ điểm Gò Hà (xã Hòa Khương) trên chiến trường khu V năm 1965; trận bắt sống cố vấn Mỹ đầu tiên trên cả nước ở Nam Thành (xã Hòa Phong) năm 1965; trận đánh Mỹ Tết Mậu Thân năm 1968 tại thôn Phước Thái (xã Hòa Nhơn); trận đánh “Cắm cờ giữ đất” ở xóm An Dương (xã Hòa Phong) của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (Đại đội 2, Khu II Hòa Vang) khi thi hành Hiệp định Paris năm 1973… như muốn khẳng định thêm rằng, chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Hòa Vang kiên trung.

Từng mảnh đất, con người Hòa Vang hôm nay - nơi đâu cũng gợi lại cảm giác hào hùng của một thời oanh liệt, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Vy Hậu