Triển khai cao điểm an toàn về phòng cháy chữa cháy

Thứ bảy, 19/06/2021 16:30

Ngày 18-6, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 2 tháng thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc CATP chủ trì điểm cầu CATP Đà Nẵng.

* Tại điểm cầu Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP chủ trì. Theo đánh giá của Bộ Công an, Đà Nẵng là địa phương đã thực hiện quyết liệt theo các chỉ đạo của Trung ương về thực hiện đợt cao điểm PCCC. Trong 2 tháng, lực lượng Công an TP đã tổ chức 624 buổi tuyên truyền; in hơn 280 băng rôn và hơn 1.100 buổi phát thanh tuyên truyền về công tác PCCC. Công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện nghiêm túc, đã triển khai tổ chức dập hàng chục vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình, thiệt hại không đáng kể.

Thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an các tỉnh, thành phố đã tập trung đẩy mạnh công tác tham mưu, triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra an toàn về PCCC. Nhờ đó, nhận thức về PCCC của chủ hộ hộ gia đình, hộ kinh doanh và người dân được nâng cao, góp phần kiềm chế, giảm thiểu các vụ cháy xảy ra. Tuy nhiên, công tác PCCC ở các địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nên đã để xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong 2 tháng (từ ngày 15-4 đến 15-7), cả nước xảy ra 344 vụ cháy, làm 27 người chết, 37 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 39 tỷ đồng. Trong số này có 108 vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình và 44 vụ cháy tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị đã nêu một số nguyên nhân chưa đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đó là, nhà được xây liền kề với nhau, thường chỉ có 1 lối thoát nạn duy nhất là cầu thang, lối thoát ra ngoài tại tầng 1 và có lắp đặt nhiều lớp cửa bảo vệ... Hệ thống điện theo thiết kế ban đầu phục vụ sinh hoạt, ăn ở tuy nhiên không được kiểm tra, bảo quản thường xuyên và hay câu móc thêm nhiều đường dây điện, thiết bị mới dẫn đến quá tải. Ngoài ra, việc sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn, không đảm bảo khoảng cách; phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ hạn chế, chưa đảm bảo và sự quan tâm chưa đúng mức của một bộ phận các cấp chính quyền cấp xã khiến nguy cơ cháy đối với loại hình này rất cao.

Công an TP Đà Nẵng hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo, tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình ANTT, diễn biến các vụ cháy, nổ để chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác PCCC. Bộ Công an sẽ phối hợp với đơn vị chức năng liên quan để nghiên cứu, tham mưu ban hành quy định về an toàn cháy đối với nhà riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; quy định về bảo đảm an toàn PCCC trong quản lý, sử dụng điện tại các hộ gia đình, cơ sở…

Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ đạo Công an các địa phương khẩn trương hoàn thành việc thống kê, bàn giao cơ sở thuộc Phụ lục IV cho UBND cấp xã quản lý theo quy định đồng thời tổ chức hướng dẫn, phối hợp với UBND cấp xã thực hiện hiệu quả trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC; tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ PCCC cho Công an cấp xã. “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia PCCC; vận động hộ gia đình, hộ kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2 của nhà, trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với đặc điểm của nhà”, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ.

MAI VINH