Triển lãm Đồ họa Đà Nẵng lần thứ 2: Cảm xúc tháng 5

Thứ sáu, 12/05/2017 09:10

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (12-5), CLB Đồ họa Đà Nẵng phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm chuyên đề Đồ họa lần thứ 2 năm 2017. Với chủ đề "Cảm xúc tháng 5", Triển lãm giới thiệu hơn 50 tác phẩm theo lối diễn đạt tự do, hiện thực, trừu tượng, thể hiện trên nhiều chất liệu: in kẽm, mix media, in meka tổng hợp, khắc gỗ, khắc gỗ phá bản, độc bản, silk screen, Gum Print, Collograph... Họa sĩ Lê Huy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, CLB đồ họa Đà Nẵng thành lập từ năm 2014 (thuộc Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) và đã trải qua 4 trại sáng tác. Lần triển lãm thứ nhất tổ chức vào năm 2015. So với triển lãm lần trước, lần này có nhiều tác phẩm phong phú về nội dung, chất lượng nghệ thuật đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong đó có nhiều gương mặt trẻ nổi bật như: Phan Thanh Hải, Trần Hữu Dương, Phan Tiến Dũng, Trường Chinh, Huỳnh Thị Thắng... Triển lãm "Cảm xúc tháng 5" là kết quả của Trại sáng tác vừa tổ chức từ ngày 15 đến 25-4 tại Trường Cao đẳng VHNT Đà Nẵng. Mục đích của CLB đồ họa tổ chức Trại tại nơi đây là để giao lưu với trường, tạo sân chơi cho sinh viên. Về đội ngũ tham gia Triển lãm, họa sĩ Lê Huy Hạnh cho biết, hiện nay, tại Đà Nẵng do các hoạt động triển lãm mỹ thuật diễn ra khá dày đặc, nên các họa sĩ "lão thành" khá bận rộn, thiếu điều kiện tham gia, thời gian thai nghén thể hiện tác phẩm rất hạn hẹp, nhiều vị từ chối, cho nên phải động viên lực lượng trẻ. Trong đó,  có một số anh em tốt nghiệp đồ họa từ Thái Lan và từ các nơi về. Họ năng động có nhiều thời gian thử nghiệm.  Chủ trương của CLB đồ họa Đà Nẵng là cố gắng mỗi năm Triển lãm đồ họa 1 lần, hoặc nếu không làm được triển lãm thì phải tổ chức được 2 trại sáng tác, để duy trì số lượng tham gia. Trước đây, trại sáng tác chủ yếu ngay tại xưởng, thời gian đến sẽ mở rộng thực tế tại các vùng lân cận như Hội An, Mỹ Sơn... Theo đánh giá của Ban Chủ nhiệm CLB, những gương mặt triển vọng, về lâu dài có thể triển lãm đồ họa cá nhân như:  Phan Thanh Hải, Trường Chinh, Phan Tiến Dũng... Tranh đồ họa hiện nay có tận dụng kỹ thuật công nghệ, nhưng chủ yếu phác thảo vẫn dựa vào cảm xúc và tư duy của mỗi tác giả. Những họa sĩ trẻ in kẽm rất tốt như Bảo Tân, Nam Kha... Cụ thể, Nam Kha đợt này có 4 tác phẩm khá ấn tượng, nói về đường phố với những trụ đèn dây nhợ rối rắm.  Nơi đây, tranh thể hiện có cái mới không chỉ là những cây cầu hiện đại, những khu phố nguy nga, mà vẫn có những xóm nhỏ xiêu vẹo ẩn chìm trong phố thị, với những dây nhợ chằng chịt như những phận đời nổi trôi.

Cũng theo họa sĩ Lê Huy Hạnh, để thực hiện một bức tranh đồ họa, điều đó không phải cầu kỳ, tốn kém công sức hoặc thời gian nhiều quá. Nhiều khi chỉ cần một miếng mê ca lăn màu đặt cây cỏ vào đã tạo nên tác phẩm như thật. Dù vậy, đồ họa cũng cần phải tỉ mỉ mới có tác phẩm ưng ý. Đặc biệt, tranh in đồ họa là một loại hình vừa có lịch sử lâu đời, vừa mang yếu tố đương đại mạnh mẽ. Tác phẩm tranh in được hình thành nhờ sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật và kỹ thuật, thông qua quá trình chế bản và in ấn riêng biệt. Nó vừa thể hiện quá trình sáng tạo lý trí, vừa biểu hiện xúc cảm cá nhân cũng như sự ngẫu hứng nghệ thuật. Được thừa hưởng những thành tựu mới của khoa học công nghệ, với tính linh hoạt cao của mình, ngày nay tranh in đã trở thành một phương tiện hấp dẫn, đóng vai trò rõ rệt trong việc mở rộng thực hành nghệ thuật đương đại. Với lợi thế gọn nhẹ về chất liệu, linh hoạt trong sáng tác và lưu chuyển tác phẩm, tranh in rất phù hợp với việc trao đổi, giao lưu chia sẻ giữa các nghệ sĩ trên thế giới.





Một số tác phẩm tiêu biểu tại Triển lãm đồ họa "Cảm xúc tháng 5".

Tuy nhiên, họa sĩ Lê Huy Hạnh cũng cho rằng: "Để tổ chức một cuộc triển lãm đồ họa thực không dễ dàng. Bởi trên thực tế, hiện nay, tại Đà Nẵng vẫn không có khoản kinh phí nào dành cho CLB đồ họa cả. Mỗi lần cần tổ chức lại phải đi vận động, hoặc anh em đồng thuận đóng góp để mua vật tư. Lâu nay trên cả nước, gần như người ta bỏ quên nghệ thuật đồ họa, ít quan tâm đến đồ họa tại các cuộc triển lãm. Do đó, nhiều người đánh giá, so với Hà Nội, TPHCM thì Đà Nẵng là nơi có dấu ấn mạnh về tranh đồ họa như tổ chức các trại sáng tác, triển lãm... Còn các tỉnh khác hầu như không có triển lãm đồ họa. Hà Nội trước đó có một cuộc triển lãm, nhưng huy động họa sĩ toàn quốc, trong đó nhiều họa sĩ Đà Nẵng". Gần đây nhất, là Cuộc thi và Triển lãm Đồ họa các nước ASEAN Lần thứ II - Việt Nam 2016 tổ chức tại Hà Nội, thể hiện ở số lượng tác giả, tác phẩm gửi tới ban tổ chức vượt trội so với lần trước (2012), với  sự tham dự của nhiều tác giả đến từ 10 nước trong cộng đồng ASEAN. Qua đó phản ánh Việt Nam đang có những bước đi tích cực nhằm xây dựng một sự kiện nghệ thuật đồ họa thường kỳ mang tầm khu vực và quốc tế. Tranh in của Việt Nam có tiến bộ rõ rệt, tính chuyên nghiệp trong thể hiện tác phẩm được nâng cao; các kỹ thuật thể hiện cũng trở nên phong phú hơn khá nhiều.

Sự kiện nói trên cũng đã góp phần khích lệ nhất định, để CLB đồ họa Đà Nẵng mở ra hướng đi tích cực khai phá, sáng tạo cho nền nghệ thuật tranh in đang trên chặng đường đầu của sự phát triển và hội nhập khu vực. Triển lãm đồ họa "Cảm xúc tháng 5" sẽ kéo dài đến ngày 22-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - số 78 Lê Duẩn, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Trần Trung Sáng