Triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần thứ I: Cái đẹp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Thứ tư, 10/12/2014 09:47

(Cadn.com.vn) - Sáng nay, 10-12, Triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần thứ I khai mạc tại Bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng (78-Lê Duẩn), với 60 tác phẩm của 30 tác giả. Đây là hoạt động của Trại sáng tác đồ họa đầu tiên do câu lạc bộ (CLB) đồ họa phối hợp Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng tổ chức sau 2 tháng CLB chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 20-12-2014.

Theo họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ nhiệm CLB đồ họa Đà Nẵng: “Thời gian diễn ra Trại sáng tác đồ họa vừa qua rất ngắn. Tuy nhiên, trong 2 ngày làm việc, nhờ sự nỗ lực rất lớn của anh em họa sĩ, kết quả đã đem lại số lượng tác phẩm đạt chất lượng rất đáng khích lệ. Đặc biệt qua lần này, nhiều anh em họa sĩ trước kia không chuyên đồ họa nay cũng thích thú tham gia...”. Nhìn chung, Triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần thứ I thể hiện sự đa dạng qua chất liệu sáng tác phong phú, đề tài phản ánh mọi khía cạnh của cuộc sống đương đại. Dường như ở mỗi tác phẩm, tác giả đều nỗ lực thể hiện cá tính sáng tạo, ý tưởng độc đáo riêng với những chất liệu và kỹ thuật nổi bật được kết nối giữa truyền thống và hiện đại qua các hình thức từ khắc gỗ hiện đại, khắc kim loại, in gián tiếp trên các chất liệu, đồ họa sắp đặt... đã để lại nhiều ấn tượng với người thưởng ngoạn.

Có thể kể một số tác phẩm của các tác giả như: Phan Thanh Hải với Vị tướng huyền thoại (khắc gỗ), Trần Hữu Cân với Huyền thoại Trường Sơn (khắc gỗ), Huỳnh Thị Thắng với Hạnh phúc gia đình (khắc mê-ca), Lê Huy Hạnh với Phố (độc bản), Vũ Dương với Đàn cổ (độc bản), Phan Tiến Dũng với Thành cổ (in mê-ca), Trường Chinh với Bạn bè (khắc gỗ), Đỗ Thanh với Lá xuân (in mê-ca), Bảo Tân với Sinh tồn (in mê-ca)... Trong đó, một số tác giả được tu nghiệp tại các chương trình đồ họa tại Thái Lan như Phan Thanh Hải, Huỳnh Thị Thắng... đã góp phần đem đến sắc thái hiện đại và phong cách mới lạ. Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số bạn trẻ hiện đang học khoa mỹ thuật Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng như: Lương Thị Hồng Vy với Phong cảnh làng quê (in mê-ca), Lê Thị Xuân Nhị với Tranh bố cục (in mê-ca).

Vị tướng huyền thoại (khắc gỗ) của Phan Thanh Hải.

Đáng lưu ý, nhiều năm qua ở nước ta, nghệ thuật đồ họa chưa được chú ý đúng mức, những cuộc triển lãm đồ họa ít được chú ý. Tuy nhiên,  những năm gần đây trong xu thế hội nhập sâu rộng về mọi mặt, nghệ thuật đồ họa Việt Nam đã có những bước phát triển mới. Tại các cuộc Triển lãm “Kết nối những vòng tay” ở Hà Nội và Triển lãm “Đồ họa không giới hạn” ở Huế trong thời gian gần đây, anh em họa sĩ Đà Nẵng đều có tác phẩm tham gia và được đánh giá cao.

Cũng theo họa sĩ Lê Huy Hạnh: “Sau khi CLB đồ họa Đà Nẵng chính thức ra đời, sẽ thường xuyên tổ chức các trại sáng tác để phổ biến các kỹ thuật mới (gọi tắt là Work-shop) phản ánh những đổi mới của TP Đà Nẵng và những vấn đề của cuộc sống đương đại. Khởi đầu, CLB được Trường Văn hóa nghệ thuật hỗ trợ đầu tư một máy kỹ thuật hiện đại (trị giá khoảng 100 triệu đồng), tạo điều kiện thuận lợi cho anh em hội viên thể nghiệm kỹ thuật mới...”.

Thành phố trẻ thơ (khắc mê-ca) của Huỳnh Thị Thắng.

Có mặt tại phòng tranh đồ họa Đà Nẵng lần thứ I, nhiều bạn trẻ thích thú bày tỏ: “Lâu nay thực sự tôi không hiểu nhiều về nghệ thuật đồ họa. Vì vậy, đây là lần đầu tiên tôi thật bất ngờ được thưởng ngoạn  một cuộc triển lãm về nghệ thuật đồ họa như thế này. Phòng tranh này có nhiều chủ đề rất phong phú, đa dạng. Mỗi tác giả đều có cách diễn đạt rất riêng. Tôi  thấy rất vui và tự hào vì Đà Nẵng đã có một CLB đồ họa với sự góp mặt của nhiều bạn trẻ. Đây là cơ hội để người yêu thích mỹ thuật có cái nhìn, quan niệm mới hơn về đồ họa-bộ môn mới trong mỹ thuật hiện đại”.

Chị Thanh Vy, nhà sưu tập mỹ thuật đến từ TPHCM nhận định: “Tại triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần này, tôi cho rằng, bên cạnh  những tranh vẽ được thực hiện trên các chất liệu truyền thống như khắc gỗ, khắc đá, khắc kẽm hay in trên đá, các họa sỹ đã chịu khó tìm tòi, sáng tạo về phong cách biểu đạt, sử dụng ngôn ngữ tạo hình. Trong đó, tôi tin rằng, nhiều tác giả đã thành công trong việc thể hiện các ý tưởng của mình trên các chất liệu và một số kỹ thuật mới thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của các đồng nghiệp trong và ngoài nước”.

Trần Trung Sáng