Triển lãm mỹ thuật “Chiếc cầu - Bridge”: Nhịp cầu kỳ diệu kết nối nghệ thuật đương đại Việt-Mỹ

Thứ năm, 21/03/2019 13:35

Từ ngày 20-3 đến 20-4, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78-Lê Duẩn, Đà Nẵng) tổ chức triển lãm mỹ thuật đương đại chủ đề “Chiếc cầu - Bridge”. Ban tổ chức cho biết, triển lãm có 35 tác phẩm hội họa và sắp đặt đa phương tiện đặc sắc được sáng tác bởi nghệ sĩ điêu khắc và sắp đặt người Mỹ-Mark Cooper và họa sĩ Việt kiều Pháp-Vũ Trọng Thuấn, có thể xem là triển lãm đương đại đặc biệt lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng. Chủ đề triển lãm với tên gọi “Chiếc cầu - Bridge” mang ẩn ý về một sự kết nối, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác không chỉ trên lĩnh vực nghệ thuật mà thông qua ngôn ngữ nghệ thuật sẽ tạo cầu nối đưa hai quốc gia, dân tộc từng có quá khứ đặc biệt lại gần nhau hơn, cùng hướng đến tương lai tốt đẹp.

Các họa sĩ Việt Nam cùng họa sĩ Mark Cooper thực hiện bức tranh “Chiếc cầu kỳ diệu”. 

Nghệ sĩ Mark Cooper hiện sống và hoạt động nghệ thuật tại Boston, Massachusetts, Mỹ. Ông vốn đam mê nghệ thuật sắp đặt từ khi còn là sinh viên mỹ thuật. Ông thường sử dụng nhiều họa tiết, hoa văn đặc trưng của các nền văn hóa trên thế giới trong tác phẩm của mình. Cách đây 10 năm, công chúng yêu chuộng nghệ thuật thế giới từng biết đến ông qua những tác phẩm sắp đặt tại các điểm quy mô lớn, trong đó có “Yu yu Boston Blue”nổi tiếng được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Boston. Ông cũng đã thực hiện nhiều triển lãm lớn tại Bảo tàng Nghệ thuật Yuan (Bắc Kinh, Trung Quốc), Đại học Lesley (Cambridge, Vương quốc Anh), Bảo tàng Đường phố (Hàn Quốc), Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney, Bảo tàng Mỹ thuật Boston…và hơn 100 triển lãm cá nhân, đồng triển lãm quốc tế khác. Tại Việt Nam, ông từng thực hiện triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Theo Mark Cooper, mỗi họa sĩ có một phong cách, tâm hồn riêng, nhưng đôi lúc, một mình không làm nên cảm xúc và thành công cho cuộc triển lãm mang tính cách đặc biệt. Ông từng nói: “Và sẽ càng tuyệt vời hơn, khi những tác phẩm của mình có sự chung tay của các đối tượng đặc biệt như trẻ em, sinh viên, giới nghệ sĩ hay thậm chí là các bệnh nhân…”. Do vậy, khác với dự tính ban đầu, dự định mỗi người sẽ triển lãm một góc, ông tiết lộ: “Từ chủ đề “Chiếc cầu”, chúng tôi đã ngồi lại với nhau và thống nhất phải thể hiện được sự kết nối, tương tác. Tác phẩm của tôi sẽ bố trí xen kẽ với tranh của họa sĩ Thuấn-những bức tranh trừu tượng tuyệt vời đến độc đáo!”. Mark Cooper  cũng cho hay, một số tác phẩm từng được giới thiệu ở Hà Nội sẽ có mặt ở đây, còn lại không thể gọi tên, mô tả chi tiết những tác phẩm mà ông đang thực hiện. Ông nói: “Đến Đà Nẵng, tôi cảm nhận được sự yên bình, quyến rũ của thành phố. Đó cũng là những điều tôi gửi gắm trong triển lãm”.

Những chiếc cầu (chất liệu tổng hợp) của tác giả Mark Cooper.

Họa sĩ Vũ Trọng Thuấn quê Hải Phòng, học mỹ thuật và trưởng thành tại Sài Gòn. Sau nhiều năm sống và làm việc tại Paris (Pháp), ông trở lại quê nhà lần đầu vào năm 1999, đến năm 2003, Vũ Trọng Thuấn có cuộc triển lãm “Những tác phẩm mới 2003” tại Nhà triển lãm TPHCM. Sau đó, ông đã chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai để thực hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình. Ông là họa sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Mỹ thuật TP Đà Nẵng và được giới nghệ thuật biết đến với những tác phẩm hội họa trừu tượng cỡ lớn bằng chất liệu sơn mài và acrylic tổng hợp. Trả lời câu hỏi vì sao chọn  Đà Nẵng làm điểm dừng chân, hoạ sĩ Vũ Trọng Thuấn nói: “ Tôi như một con gà chơi nhởi kiếm ăn khắp nơi nhưng dứt khoát khi đến kỳ “nhảy ổ” thì phải chọn cho mình một nơi chốn vừa ý để sinh nở. Với tôi, Đà Nẵng là một sự chọn lựa không có gì tuyệt vời hơn. Con gà là tôi đã đẻ ra hàng loạt tác phẩm hội họa đủ các kích cỡ, đặc biệt là những bức tranh khổ lớn dài tới 10, 12m. Tôi làm việc một cách miệt mài, cảm xúc luôn dâng trào trong niềm hạnh phúc của sáng tạo. Thú thật, chưa bao giờ được vẽ bằng một sự hứng khởi mạnh mẽ như thế...”.

Trước đây, họa sĩ Vũ Trọng Thuấn và Mark Cooper chưa từng gặp mặt, chỉ biết nhau qua báo chí. Tình cờ, khi Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mời triển lãm chung, với chủ đề “Chiếc cầu”, cả hai họa sĩ đều nhìn nhận rằng, đây là một triển lãm có ý nghĩa tuyệt vời, một cơ hội gắn kết tác phẩm nghệ thuật, như là bắc nhịp cầu tư tưởng cho mối quan hệ của hai nước Việt - Mỹ ngày một khăng khít hơn sau 24 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Họa sĩ  Vũ Trọng Thuấn nói: “Có tất cả 35 tác phẩm trưng bày, nhưng có thể xem ít hoặc nhiều hơn, cũng có thể chỉ có một tác phẩm duy nhất. Bởi tất cả hòa quyện, hỗ trợ nhau”. Tham dự tại buổi khai mạc triển lãm, đông đảo người yêu nghệ thuật đã hết sức thích thú trước sự kết hợp thú vị giữa hai họa sĩ Việt – Mỹ. Bạn Nguyên An (một sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) nhận định: “Loại hình nghệ thuật liên kết, mang tính tập thể, lấy cảm hứng từ sự tương tác, kết nối giữa các tác phẩm có ngôn ngữ chất liệu khác nhau, được sáng tác bởi các tác giả khác nhau, không hẳn là điều quá mới trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Thế nhưng, để có một cuộc triển lãm như thế này, chắc hẳn không phải dễ dàng tổ chức. Bởi phải có sự đồng cảm, ăn ý cộng hưởng từ hai tác giả. Đặc biệt, triển lãm còn mang ý nghĩa bắc nhịp cầu trong quan hệ Việt - Mỹ hướng đến hòa bình, nhìn về tương lai…

Tác phẩm “Trăng” của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn.   Ảnh: HIỀN MINH

Trước ngày khai mạc triển lãm, lúc 9 giờ ngày 19-3, nghệ sĩ Mark Cooper cùng họa sĩ Vũ Trọng Thuấn và các họa sĩ đến từ Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội phối hợp vẽ một bức tranh chung bằng chất liệu Acrylic ngay trước tiền sảnh Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Đó là một tấm toan lớn trải dưới sàn, mỗi họa sĩ vẽ một góc và tự chọn cách thể hiện ý tưởng riêng, không chuẩn bị sẵn chủ đề. Điều thú vị là sau khi vẽ xong, kết nối các mảng tranh riêng lẻ thì thành bức tranh chung hoàn thiện với tên gọi “Chiếc cầu kỳ diệu” dài 5 m. Họa sĩ Mark Cooper nói rằng, cái hay của hội họa là thế, dù mỗi họa sĩ có dấu ấn cá nhân nhưng sự tập hợp của những cái riêng đó lại là điều tuyệt vời có thể xảy ra. Sau triển lãm, bức tranh “Chiếc cầu kỳ diệu” sẽ được tặng lại cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

TRẦN TRUNG SÁNG