Triển vọng đàm phán Ukraine - Nga vẫn mờ mịt

Thứ bảy, 11/03/2023 10:04
Nga cho biết Moscow không thấy Ukraine có dấu hiệu mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán giữa lúc xung đột leo thang, trong khi Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine cảnh báo "xu hướng nguy hiểm" khi ngày càng nhiều công dân muốn đàm phán với Moscow.
Đoàn đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3-2022. Ảnh: Reuters
Đoàn đàm phán Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3-2022. Ảnh: Reuters

Ukraine không có thiện chí đàm phán

Hôm 9-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moskva không nhận thấy chính quyền Kiev mong muốn tiến hành các cuộc đàm phán giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Theo hãng thông tấn TASS, phát biểu tại họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Faisal Bin Farhan Al Saud, ông Lavrov tuyên bố: “Cho đến nay, chúng tôi không nhận thấy nước láng giềng Ukraine có mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc”.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh vào tháng 9-2022, cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Trong khi đó, các bên ủng hộ Ukraine ở phương Tây liên tục tuyên bố rằng Nga phải bị đánh bại trên chiến trường để bắt đầu đàm phán từ thế mạnh.

Ông Lavrov lưu ý Nga hoan nghênh sự quan tâm của Saudi Arabia trong việc hỗ trợ tạo điều kiện giải quyết xung đột đang diễn ra càng sớm càng tốt, cũng như giải quyết tình hình trong bối cảnh các yêu cầu chính đáng của Nga bị phớt lờ trong nhiều năm.

Ukraine cảnh báo xu hướng “muốn đàm phán với Nga”

Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Aleksey Danilov hôm 9-3 thừa nhận, số lượng người dân Ukraine muốn Kiev đàm phán hòa bình với Moscow đang gia tăng, cảnh báo đây là "xu hướng nguy hiểm".

"Cần chú ý đến việc số lượng người ủng hộ đàm phán với Nga đang ngày càng gia tăng. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm khi thậm chí cả những người ở phía Tây Ukraine cũng đang bắt đầu thảo luận về những việc như vậy", hãng thông tấn RIA dẫn lời ông Danilov cho hay. Ông cũng chỉ ra việc một chính trị gia tại khu vực Lviv ở phía Tây được cho là đã kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.

Những điều kiện khó thực hiện

Nga và Ukraine đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột, nhưng các cuộc hòa đàm đã bị đình trệ kể từ cuối tháng 3 năm ngoái. Kiev đã từ chối đàm phán với Moscow khi những nỗ lực ban đầu nhằm giải quyết xung đột bằng các biện pháp ngoại giao thất bại. Vào thời điểm đó, Ukraine đã rút khỏi các cuộc trao đổi với Nga sau một vài vòng đàm phán ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 10-2022, Tổng thống Ukraine Volodyrmyr Zelensky đã bác bỏ khả năng đàm phán với người đồng cấp Nga và tuyên bố sẽ giành chiến thắng trước Moscow. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11-2022, Tổng thống Zelensky cũng bác bỏ khả năng tiến hành thỏa thuận Minsk 3 sau khi những thỏa thuận trước đó nhằm giải quyết xung đột giữa Kiev và các nước cộng hòa nhân dân tự xưng ở Donbass không đạt kết quả.

Bình luận triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột, Ukraine cho rằng trước tiên Nga phải đáp ứng những điều kiện của Kiev. Các điều kiện này gồm rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế, bồi thường thiệt hại và cuối cùng là Ukraine có được cam kết an ninh của các bên.

Hôm 6-3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phánnào giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột chỉ bắt đầu khi Moscow đồng ý rút quân. Ông cũng cho rằng phía Ukraine đã đưa ra đề xuất và sẵn sàng đàm phán, vấn đề hiện giờ là Nga có chấp nhận và sẵn sàng tiến tới hòa đàm hay không.

Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin nhấn mạnh điều kiện tiên quyết mà Ukraine và phương Tây từng đưa ra - Nga rút quân khỏi Ukraine, để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình - là không thể chấp nhận. Nga cũng nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga.

AN BÌNH

Ukraine tăng tốc tiếp viện cho Bakhmut

Ukraine đang tăng cường lực lượng gần thành phố Bakhmut với mục tiêu giữ vững thành trì miền Đông trước vòng vây của Nga.

"Đối phương đang tăng cường hiện diện quân sự ở phía tây bắc và tây nam Bakhmut", Andrey Marochko, trung tá nghỉ hưu thuộc lực lượng dân quân Cộng hòa Nhân dân Lugansk (tự xưng), ngày 10-3 cho biết. Theo ông Marochko, xét về quân số và số lượng trang thiết bị, quân đội Ukraine đóng gần Bakhmut "có khả năng tiến hành cả chiến dịch phòng thủ và tấn công".

Quyền lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng) Denis Pushilin hôm 9-3 cho biết, các lực lượng Ukraine đang nỗ lực phản công trên một phần của chiến tuyến Bakhmut nhưng thất bại, trong khi quân đội Nga tiếp tục tiến công. Cùng ngày, Đại tá Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng trên bộ của Ukraine, tuyên bố việc Ukraine giữ vững thành phố Bakhmut ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột. "Tầm quan trọng của việc giữ vững Bakhmut không ngừng tăng lên. Mỗi ngày, việc phòng thủ thành phố này sẽ cho phép chúng tôi có thêm thời gian để chuẩn bị lực lượng dự bị và chuẩn bị cho các hoạt động tấn công trong tương lai", ông Syrskyi nói thêm.