Triển vọng kinh tế Việt Nam 2017

Thứ ba, 10/01/2017 09:29

(Cadn.com.vn) - Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín nhận định, năm 2017, Việt Nam sẽ giữ được mức tăng trưởng ổn định, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng thể giai đoạn  2016-2020.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng trong năm 2016, kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, cơ bản đã đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm chống thất nghiệp, xuất khẩu ròng tạo nền tảng củng cố giá trị đồng tiền dự trữ ngoại hối... Song song đó, trong suốt năm qua, Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh quá trình xử lý những vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế vĩ mô, ví dụ như nợ xấu, thanh khoản ngân hàng thương mại, giảm lãi suất cho vay, xử lý tái cơ cấu các doanh nghiệp cổ phần hóa...

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh - Tiến sĩ Trần Du Lịch

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, một trong những tín hiệu tốt và cũng là điều bắt buộc khi tham gia vào sân chơi hội nhập là Chính phủ rất quyết tâm, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Bởi nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường đầu tư, Việt Nam không thể bắt kịp được trong hội nhập với thế giới và ngay cả trong khu vực ASEAN.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, mặc dù, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra nhưng mức tăng trưởng 6,21% cũng đưa Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh.Với những kết quả đạt được trong năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ trên phương châm “Chính phủ kiến tạo”, kinh tế đất nước sẽ tiếp tục phát triển, giữ vững sự ổn định, cải cách thủ tục hành chính sẽ được thực hiện mạnh mẽ hơn.

Theo các chuyên gia, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong năm 2017, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, lành mạnh hóa chính sách tài chính-tiền tệ để tạo niềm tin chung cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tạo đà phát triển.

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng hiện còn chậm so với kỳ vọng. Vì vậy, trong năm 2017 và những năm tiếp Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xử lý nợ xấu từ những năm trước để lại. Đồng thời, có giải pháp đối với tình trạng nợ công đã đạt trần, không thể tăng đầu tư công để kích thích kinh tế như những năm trước đây.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7-6,8%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng này, theo các chuyên gia, cần có phương án tốt trong việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, dùng nguồn lực này, để kích thích đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn từ năm 2018 và những năm tiếp theo.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trường Chính sách Công và Quản lý Fullbright, Đại học Fullbright Việt Nam, chia sẻ trong các nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, nông nghiệp, nông thôn là khu vực bị thiệt thòi nhưng ít được đề cập đến. Điều đó có nghĩa chúng ta không chỉ hồ hởi hội nhập mà cần chuẩn bị "lưới" dự phòng trước những hệ lụy tiêu cực đối với nông thôn, nông nghiệp và an sinh xã hội. Hiện nay 60% dân số và hàng chục triệu người dân phụ thuộc vào các chính sách, do đó khi ký kết các FTA cần nghiên cứu các đối tượng sẽ chịu tác động tiêu cực từ những FTA này.

Về các giải pháp dài hơi hơn, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, Việt Nam không gặp khó khăn trong huy động nguồn lực nhưng lại chưa sử dụng nguồn lực huy động được một cách hiệu quả, phân bổ không hợp lý. Dẫn chứng từ ngành tài chính, ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng, mặc dù nói nhiều đến tái cấu trúc ngân hàng, đầu tư... nhưng bộ máy thực hiện tái cấu trúc thì không được tái cấu trúc. Do đó, cần tái cấu trúc ngay bộ máy Nhà nước, bộ máy làm chính sách, hành chính... để làm sao giảm chi tiêu công bởi nếu cộng chi thường xuyên và trả nợ đã quá 100% ngân sách của Việt Nam.

Ông Vũ Thành Tự anh quả quyết, vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để bộ máy hành chính vận hành một cách hiệu quả hơn và chính nó tạo ra những chính sách và thực thi quá trình tái cơ cấu hiệu quả hơn.

Anh Tuấn