Triệt phá băng nhóm mua bán chứng chỉ giả ở tuyến biển
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, người dân ở phường Tam Quan Bắc và xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn, Bình Định), nhất là những người làm nghề biển xôn xao khi cơ quan Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt, khám xét 5 đối tượng là người ở địa phương để điều tra về hành vi: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đây là đường dây chuyên bán chứng chỉ giả với quy mô rất lớn, liên quan đến hàng chục đối tượng do Nguyễn Tấn Hải (1968, trú H. Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chủ mưu.
Cơ quan An ninh điều tra thu giữ nhiều tài liệu, chứng chỉ giả liên quan đến vụ án.
Ngày 9-1, Trung tá Nguyễn Văn Đây- Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra- Công an tỉnh Bình Định, cho biết: Qua khám xét nơi ở của các bị can trong vụ án: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu quan trọng và hàng trăm bản photo chứng chỉ các loại nghi vấn là giả tạo. Trước đó, 28 chứng chỉ mà cơ quan điều tra thu giữ được đã có kết quả giám định từ cơ quan chức năng xác định là giả.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra- Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cho tại ngoại đối với 11 đối tượng khác. Trong đó, 10 đối tượng trú địa bàn TX Hoài Nhơn. Riêng đối tượng chủ mưu Nguyễn Tấn Hải hiện đang bị tai biến nên cơ quan chức năng cho tại ngoại để phục vụ công tác điều tra. Trong 10 bị can ở Hoài Nhơn thì Trần Thị Hiền Hòa (1988) là đối tượng có vai trò quan trọng, tuy nhiên hiện Hòa đang mang thai nên được cho tại ngoại.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2018, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT yêu cầu tàu cá khi hoạt động phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, không ít chủ tàu cố tình không cử lao động tham gia các lớp đào tạo để được cấp chứng chỉ theo quy định mà tìm cách đối phó, trong đó có việc tìm mua chứng chỉ giả.
Biết ngư dân có nhu cầu trên, đối tượng Nguyễn Tấn Hải đã móc nối với nhiều đối tượng ở các địa bàn ven biển của TX Hoài Nhơn làm giả các loại chứng chỉ trên bán cho ngư dân với giá từ 2 - 5 triệu đồng. Nhiều đối tượng chỉ vì cái lợi trước mắt mà tiếp tay cho đối tượng Nguyễn Tấn Hải làm điều sai trái, không ý thức việc làm trên là vi phạm pháp luật.
Bị can Trương Nhân Huynh (trú P. Tam Quan Bắc) kể lại: “Ông Hải đến nhà tôi rửa xe rồi nói là biết mối làm chứng chỉ giả, nếu ai có nhu cầu thì chỉ cần gửi bản photocopy CMND và gửi tiền thì cỡ 10 ngày là có. Tôi có nhận của một số trường hợp rồi chuyển cho ông Hải để làm, giờ rất hối hận, mong pháp luật khoan hồng”.
Hiện cơ quan điều tra kêu gọi những người có liên quan đến việc mua, bán chứng chỉ giả nêu trên tự giác đến trình diện và thành khẩn khai báo để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
“Qua vụ án này, chúng tôi khuyên bà con ngư dân khi có nhu cầu về chứng chỉ hành nghề nên liên hệ với cơ quan chức năng đăng ký học và thi để được cấp chứng chỉ. Mọi hành vi không học, không thi, làm khống, mua bán, làm giả chứng chỉ là vi phạm pháp luật và đều bị xử lý nghiêm”, Trung tá Nguyễn Văn Đây khuyến cáo.
Lê Giang