* Tên lửa đi qua Nhật Bản, song Tokyo không đánh chặn
* Một phần rơi xuống bán đảo Triều Tiên, phần khác rơi xuống biển gần Phillippines
* Anh yêu cầu họp khẩn HĐBA bàn biện pháp đáp trả
(Cadn.com.vn) - Hãng thông tấn Trung ương của Triều Tiên (KCNA) sáng 12-12 chính thức xác nhận việc nước này phóng tên lửa tầm xa, khi tuyên bố đã thành công trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
|
Nữ phát thanh viên trong bộ quốc phục thông báo về việc phóng tên lửa thành công. Ảnh: Reuters |
“Việc phóng phiên bản hai của vệ tinh Kwangmyongsong-3 từ trung tâm vũ trụ Sohae hôm 12-12 diễn ra thành công. Vệ tinh đi vào quỹ đạo đúng như kế hoạch”, bản tin của KCNA đưa. Theo nguồn tin, tên lửa được phóng đi lúc 9 giờ 49 (giờ địa phương). Theo AFP, bản tin này tiếp tục được đọc lại trong “chương trình đặc biệt” phát trên Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên, trong đó người phát thanh viên mặc bộ quốc phục truyền thống màu hồng – một việc khá hiếm chỉ khi diễn ra những sự kiện quan trọng, như lần báo tin nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời hồi tháng 12-2011.
|
Hàn Quốc xác nhận trên truyền hình về việc Triều Tiên bắn tên lửa. Ảnh: BBC |
Các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản xác nhận việc này đồng thời cho biết, tên lửa bay về phía nam trên đảo Okinawa của Nhật Bản vào khoảng 10 giờ 01. Tuy nhiên, lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại
Okinawa cho biết họ đã không phóng đi các tên lửa đánh chặn. Trong khi đó, một phần tên lửa rơi xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và phần khác rơi xuống vùng biển gần Phillippines. Vì vậy, Tokyo luôn đặt trong tình trạng báo động cao kể từ khi Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng tên lửa. Tokyo thậm chí bố trí tên lửa đánh chặn nếu thấy trong trường hợp mảnh vỡ tên lửa rơi vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản khẳng định không có mảnh vỡ nào rơi vào lãnh thổ nước này.
|
Nội các của Tổng thống Lee Myung-bak họp khẩn sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Tất nhiên, động thái trên khiến các nước bất ngờ và nổi giận vì chỉ một ngày trước, Bình Nhưỡng còn phải tháo tên lửa khỏi bệ phóng để kiểm tra trục trặc kỹ thuật và tuyên bố phải kéo dài thời gian phóng tên lửa, chứ không phải như dự kiến ban đầu từ ngày 12 đến 20-12. Nhật Bản bày tỏ “vô cùng đáng tiếc và không thể tha thứ cho chuyện này”. Hàn Quốc, Anh cũng nhanh chóng chỉ trích vụ phóng tên lửa này. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lập tức triệu tập cuộc họp an ninh sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa nói trên. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi họp khẩn với các thành viên khác của HĐBA LHQ về biện pháp đáp trả Bình Nhưỡng. Còn Washington cũng ngớ người vì không nghĩ Triều Tiên sẽ phóng tên lửa vào hôm nay.
|
Sơ đồ đường bay của tên lửa. Ảnh: BBC |
Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un phóng tên lửa bất chấp phản ứng mạnh mẽ và kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng biện hộ rằng, họ chỉ phóng tên lửa vì mục đích nghiên cứu khoa học. Nhưng Mỹ- Nhật-Hàn cho rằng, đây chỉ là một bức màn che giấu vụ thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm lệnh cấm của LHQ.
Thanh Văn