Triều Tiên cảnh báo Mỹ “không nên gây chuyện”

Thứ tư, 17/03/2021 19:00

Bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hôm 16-3 lên tiếng chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quân sự chung, đồng thời cho biết những “ngày mùa xuân hòa bình” cách đây 3 năm sẽ khó quay trở lại bán đảo Triều Tiên.

Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap

“Nếu muốn ngủ yên...”

Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải, bà Kim Yo-jong đã đe dọa sẽ hủy bỏ Thỏa thuận quân sự liên Triều, đã ký vào tháng 9-2018, đồng thời giải tán một tổ chức giải quyết các vấn đề biên giới giữa hai bên.

Bà Kim Yo-jong lên án các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra giữa Mỹ - Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo Washington không nên “gây mùi khó chịu” nếu muốn hòa bình. Bà Kim Yo-jong đồng thời nhấn mạnh, sẽ khó để "những ngày Xuân" yên bình cách đây 3 năm trở lại trên bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi nhân cơ hội này cảnh báo chính quyền mới của Mỹ đang cố gắng xả mùi thuốc súng trên đất nước chúng tôi. Nếu muốn ngủ yên trong 4 năm tới, thì tốt hơn họ nên kiềm chế không gây chuyện ngay từ đầu”, tuyên bố của bà Kim Yo-jong được KCNA đăng tải.

Đầu tuần trước, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu các cuộc diễn tập quân sự phối hợp mùa xuân, với quy mô nhỏ hơn do dịch COVID-19. Mặc dù các cuộc tập trận chỉ giới hạn ở mô phỏng máy tính như từ lâu Triều Tiên đã yêu cầu chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa hai nước, coi đó là một hành động diễn tập chiến tranh.  Truyền thông nhà nước dẫn lời bà Kim Yo-jong tuyên bố: “Các cuộc tập trận và sự thù địch không bao giờ có thể đi cùng đối thoại và hợp tác”. Bà Kim Yo-jong cảnh báo rằng quan hệ hợp tác liên Triều có thể gặp rủi ro nếu Hàn Quốc trở nên “khiêu khích hơn”. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong, đổ lỗi cho động thái chống Bình Nhưỡng từ miền Nam.

Các chuyên gia cho rằng tuyên bố của bà Kim Yo-jong nhìn chung phù hợp với những tuyên bố trước đây của Triều Tiên bày tỏ sự thất vọng trước những gì Bình Nhưỡng coi là sự chênh lệch giữa thúc đẩy ngoại giao của Mỹ và những gì nước này thực sự làm. Bà Jenny Town, Giám đốc Trung tâm Stimson 38 North, cho biết: “Mặc dù các thỏa thuận đã có hiệu lực nhưng các hành động tích cực, đặc biệt là trong chương trình nghị sự liên Triều vẫn còn quá ít trong khi những hành động củng cố mối quan hệ thù địch cũ vẫn tồn tại".

Trọng tâm của chương trình nghị sự Mỹ - Hàn

Cảnh báo của Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang có chuyến thăm Nhật Bản, và dự kiến đến hàn Quốc trong những ngày tới. Ông Pacheco Pardo, một chuyên gia về Hàn Quốc tại trường Kings College London, nhận định rằng, thời điểm đưa ra cảnh báo của bà Kim Yo-jong - cũng là tuyên bố trực tiếp đầu tiên với chính quyền mới của Mỹ kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1 - dường như được thiết kế để đảm bảo rằng vấn đề Triều Tiên sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của ông Blinken và Austin khi họ đến Seoul. Ông Pardo nói: “Cho đến nay, cuộc thảo luận đang tập trung vào nhóm Bộ tứ, đối phó với Trung Quốc và việc xem xét lại chính sách của Triều Tiên. Từ lúc này, tuyên bố của bà Kim sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận”.

Hôm 15-3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang tiến hành xem xét "kỹ lưỡng" chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và đang tiếp tục thu hút ý kiến đóng góp từ Nhật Bản và Hàn Quốc. “Chúng tôi đã lắng nghe cẩn trọng ý tưởng của họ, bao gồm cả thông qua tham vấn ba bên. Việc xem xét dự kiến sẽ kết thúc sau một vài tuần”, ông Ned Price nói.

Mỹ nỗ lực tiếp cận Triều Tiên

Ngày 15-3, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây đã tìm cách tiếp cận Triều Tiên để đối thoại về chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, song đến nay Bình Nhưỡng chưa có phản hồi.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết mục tiêu của Mỹ là giảm nguy cơ leo thang căng thẳng. Kể từ khi nhậm chức gần 2 tháng trước đây, giới chức Mỹ đã nỗ lực tiếp cận Triều Tiên thông qua một số kênh song đến nay chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Bình Nhưỡng. Cũng theo bà Psaki, chính quyền của Tổng thống Biden đang tiếp tục tham vấn các cựu quan chức chính phủ, những người từng tham gia xây dựng chính sách với Triều Tiên, đồng thời vẫn tìm kiếm sự hợp tác từ các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà Psaki nhấn mạnh ngoại giao tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter tại một cuộc họp báo cùng ngày cũng cho biết Washington đã tìm cách liên lạc với Bình Nhưỡng thông qua nhiều kênh, nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Người phát ngôn Jalina Porter nói: “Để giảm nguy cơ tình hình leo thang, bắt đầu từ tháng 2, chúng tôi đã liên hệ với Chính phủ Triều Tiên thông qua một số kênh, bao gồm cả ở New York, nhưng cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ Bình Nhưỡng”.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hơn một năm qua không có cuộc đối thoại tích cực nào diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Biden đang rà soát lại chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên và công việc này có thể được hoàn tất trong những tuần tới.

AN BÌNH