Triều Tiên có khuất phục các biện pháp trừng phạt?
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 19-2 đã ký phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cho rằng, các biện pháp trừng phạt này sẽ không giải quyết được căn bản vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đang bị áp lực bủa vây khi Hàn Quốc đóng cửa biểu tượng liên kết cuối cùng của hợp tác kinh tế liên Triều (khu công nghiệp chung Kaesong), HĐBA LHQ thảo luận về các biện pháp trừng phạt riêng rẽ nhằm đáp trả vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) và vụ phóng tên lửa sau đó của Bình Nhưỡng và đặc biệt là việc Mỹ ra lệnh trừng phạt mới.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng hôm 7-2. Ảnh: AFP |
Các biện pháp mới nhất của Mỹ lần này siết chặt trừng phạt các cá nhân hoặc tổ chức nhập khẩu hàng hóa hay công nghệ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt vào Triều Tiên. Các biện pháp mới cũng trừng phạt bất kỳ ai liên quan đến chương trình hạt nhân, rửa tiền, tội phạm mạng và vi phạm nhân quyền ở nước này. Ngoài ra, chính quyền ông Obama cũng chặn các nguồn tiền mặt cung cấp cho Bình Nhưỡng bằng cách cấm buôn bán than đá, khoáng sản và kim loại quý với nước này.
Mỹ cho rằng, họ buộc phải đáp trả Triều Tiên khi các tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ, không phản ứng kịp thời để ngăn chặn các hành vi hung hăng của Bình Nhưỡng. “Mỹ quan ngại sâu sắc về hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết trước khi ông Obama đặt bút ký đạo luật này. Theo ông Earnest, Nhà Trắng hy vọng các biện pháp trừng phạt sẽ giúp tăng áp lực đối với Triều Tiên. “Đó là mục tiêu mà Quốc hội đã nêu ra và là mục tiêu mà chúng tôi muốn chia sẻ”, AP dẫn lời ông Earnest cho biết thêm.
Hàn Quốc hôm 19-2 đã lên tiếng hoan nghênh quyết định cứng rắn lần này của Mỹ, đồng thời cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới này sẽ góp phần kiềm chế hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Nhà Xanh cũng bày tỏ hy vọng, luật mới sẽ tạo cơ sở để Nhà Trắng áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu chống Triều Tiên, tăng cường các nỗ lực khiến Bình Nhưỡng “phải trả giá” cho các hành động gần đây.
Tuy nhiên, Trung Quốc – quốc gia đồng minh thân cận của Bình Nhưỡng – cho rằng, các biện pháp trừng phạt này sẽ không thể giải quyết được cốt lõi vấn đề căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. “Tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là phức tạp và nhạy cảm. Các bên liên quan cần bình tĩnh và kiềm chế…”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 19-2 nêu rõ. Ông Hồng Lỗi cho rằng, về cơ bản, các vấn đề điểm nóng không thể giải quyết thông qua việc gây áp lực và trừng phạt như thế này.
Bắc Kinh đang đối mặt sức ép từ Washington và các nước đồng minh trong việc phải nhất trí với các biện pháp trừng phạt mới của LHQ (hiện đang trong quá trình thảo luận) nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ít có khả năng ủng hộ một quyết định như vậy. Nguyên nhân thì quá rõ ràng. Bắc Kinh lo ngại điều này sẽ làm khiến Triều Tiên trở nên bất ổn và thậm chí sụp đổ, kết cục sẽ khiến Bắc Kinh mất đi vùng đệm chiến lược và kéo theo cuộc khủng hoảng người tị nạn qua biên giới.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đã quá lo xa. Rõ ràng, ít quốc gia nào phải chịu đựng nhiều biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và kéo dài như Triều Tiên. Bất chấp bị áp lực tứ phía, bằng cách nào đó, cuộc sống ở quốc gia này vẫn diễn ra bình thường. “Xử phạt và áp lực sẽ không bao giờ gây ảnh hưởng đến Triều Tiên, đất nước tiếp xúc với tất cả các loại hình phạt và phong tỏa trong nhiều thập kỷ”, hãng thông tấn KCNA của nước này nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, dù đang hứng chịu thêm các biện pháp trừng phạt, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un vẫn không ngần ngại ra lệnh tiến hành thêm nhiều vụ phóng tên lửa vệ tinh như vụ hôm 7-2 mà phương Tây cáo buộc là vỏ bọc của vụ thử lên lửa đạn đạo.
Khả Anh