Triều Tiên có “miễn nhiễm” với các lệnh trừng phạt?

Thứ bảy, 02/12/2017 10:14

Mỹ hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng Washington cho rằng, Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn thế qua việc hạn chế xuất khẩu dầu nhằm gây áp lực với Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những biện pháp trừng phạt như thế này cũng khó có thể làm nản lòng Triều Tiên.

Người dân Hàn Quốc theo dõi việc Triều Tiên phóng tên lửa tại Nhà ga Seoul.    Ảnh: AP

Khi Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, được cho là mạnh nhất từ trước đến nay, Trung Quốc chịu áp lực nặng nề trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng, bao gồm việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ.

Sau cuộc họp gần đây nhất của HĐBA LHQ về Triều Tiên, Trung Quốc đã cam kết giảm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu sang Bình Nhưỡng. Mỹ hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như hiện nay, nhưng cho rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn thế qua việc hạn chế xuất khẩu dầu nhằm gây áp lực với Triều Tiên. Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, “đã đến lúc Trung Quốc cần cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên”.

Tuy nhiên, việc hoàn toàn cắt đứt nguồn cung cấp dầu sẽ là bước đi mạo hiểm. Thời gian không ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân tên lửa của Triều Tiên. Nhưng đó không phải là lý do để vội vàng thực hiện các biện pháp mà không đánh giá đầy đủ tác động xảy ra. Liệu hậu quả của việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ và các nước trong khu vực như thế nào?

Củng cố quyết tâm của Bình Nhưỡng?

Nhiều người lo ngại lệnh cấm trên sẽ trực tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ lên chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nguồn cung dầu không phải là trở ngại đáng kể đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo họ, khi chạy đua phát triển tên lửa-hạt nhân, Bình Nhưỡng từ lâu đã tính đến vấn đề trữ lượng dầu mỏ này. Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Triều Tiên, trữ lượng dầu thô chưa khai thác của nước này tương đương 60-90 tỷ thùng. Mặc dù không thể xác nhận điều này nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy, Triều Tiên có thể tự khai thác và lọc dầu để sử dụng. Kết quả là, việc cắt nguồn cung dầu mỏ chỉ càng củng cố quyết tâm chính trị của Bình Nhưỡng hơn.

Tất nhiên, việc cấm vận dầu có thể làm suy yếu hệ thống kinh tế của Triều Tiên và do đó khiến nước này bất ổn. Nhưng tác động là không thể lường trước được đối với các bên liên quan. Theo quan điểm của Triều Tiên, lệnh cấm vận dầu lửa có thể đe dọa sự ổn định của chế độ, động thái hoàn toàn mâu thuẫn với chính sách của Mỹ là “không theo đuổi thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng”. Triều Tiên có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để tồn tại, với hy vọng chiến thắng trong cuộc chiến này. Bình Nhưỡng cũng có thể tỏ ra thách thức hơn và không muốn ngồi vào bàn đàm phán. Điều này sẽ đe dọa Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam và ngay cả các vùng lãnh thổ khác của Mỹ.

Thời điểm để đàm phán

Giới phân tích cho rằng, thời gian còn lại để các biện pháp trừng phạt cứng rắn có hiệu lực là rất hạn chế. Ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực hơn và Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính cũng không khiến Bình Nhưỡng khuất phục. “Chúng ta không nên có những kỳ vọng phi thực tế rằng, một loạt lệnh trừng phạt ngay lập tức sẽ khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un thay đổi quan điểm”, một chuyên gia nhận định.

Trò chơi đang diễn ra rủi ro giữa Bình Nhưỡng và Washington đã bước vào giai đoạn rất nguy hiểm. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để đàm phán. Theo họ, Trung Quốc, ở một mức độ nào đó cùng với Nga, sẽ là chìa khóa cho vấn đề Triều Tiên. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên và Bình Nhưỡng được cho là phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung dầu từ Bắc Kinh, trong khi Nga có chung đường biên giới trên bộ ngắn với Triều Tiên và cũng đang tăng cường quan hệ thương mại và lao động với quốc gia bị cô lập này.

KHẢ ANH