Triều Tiên-cuộc khủng hoảng đầu tiên của ông Trump

Thứ tư, 15/02/2017 07:39

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Donald Trump được “chọn mặt gửi vàng” trong nỗ lực tìm ra cách tối ưu để đối đầu với một Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông có thể sẽ đi theo vết xe đổ thất bại của những người tiền nhiệm.

Triều Tiên thử tên lửa Pukguksong-2. Ảnh: AFP

Tổng thống G.W.Bush quyết định tấn công Iraq là nhằm loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt - nhưng cuối cùng nó thật sự không tồn tại. Chính quyền Tổng thống Barack Obama sử dụng các lệnh trừng phạt để ngăn chặn Iran chế tạo bom nguyên tử. Và bây giờ, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump phải đối mặt với một Triều Tiên đầy quyết liệt trong chính sách phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Mỹ đang chứng minh, chiến lược hành động để khiến Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân và tên lửa dường như là bất khả thi. Và chính nó đánh dấu cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên Tổng thống Trump phải đối mặt. Triều Tiên đã là một cái gai trong mắt Mỹ từ thời chính quyền Tổng thống Harry S. Truman khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên trở nên nguy hiểm đến độ tiến gần đến bờ vực cuộc đối đầu hạt nhân. Kể từ thời điểm đó, theo tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, nước này đã đạt đến những gì được cho là “nguy hiểm nhất”.

Vấn đề đặt ra hơn nữa là chính sách đối ngoại của Washington đang bùng nổ hàng loạt các bất đồng với Tổng thống Trump. Họ cho rằng, ông Trump đã sai khi ban hành sắc lệnh di trú cấm người dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh; quá mềm với Nga và quá diều hâu với Trung Quốc. Nhưng về vấn đề Triều Tiên, họ vẫn đang ở trong cùng một lỗ hổng với ông Trump: không hề có ý tưởng thực sự về cách đối phó với Bình Nhưỡng như thế nào.

Triều Tiên thử tên lửa ngay trong lúc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang dự tiệc tối với Tổng thống Trump tại Khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida. Đó là lý do tại sao ông Abe gặp nhiều khó khăn trong chiến lược ve vãn ông Trump như mục đích của chuyến công du đến Mỹ. Đó cũng là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis có chuyến đi chính thức đầu tiên đến Nhật và Hàn trên cương vị này. Ưu tiên của ông là trấn an Tokyo và Seoul rằng, Washington luôn đứng sau ủng hộ họ - bất chấp những cảnh báo xa lánh hai đồng minh mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.

Bình Nhưỡng lần đầu tiên chứng minh khả năng hạt nhân trong năm 2006. Kể từ đó, nước này tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa. Bình Nhưỡng thậm chí đe dọa có khả năng chế tạo tên lửa tấn công đến lục địa Mỹ - một động thái mà ông Trump khẳng định “sẽ không xảy ra”. Tuy nhiên, hiện nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy, liệu có bất cứ ai sẽ có một kế hoạch để ngăn chặn việc này.

Cộng đồng quốc tế, HĐBA LHQ đều lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên và đe dọa sẽ trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa. Mỹ cũng kêu gọi hành động tập thể nhằm buộc Triều Tiên “chịu trách nhiệm”. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó.

Chính quyền Tổng thống G.W.Bush từng thành công, dù rất hạn chế, trong việc sử dụng viện trợ tài chính và đe dọa trừng phạt lớn hơn - để thuyết phục Bình Nhưỡng làm chậm chương trình hạt nhân, thậm chí phá dỡ một tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân ở Yongbyon. Nhưng điều đó vẫn là không đủ để ngăn chặn các vụ thử hạt nhân năm 2006.

Và kể từ khi ông Kim Jong-Un lên nắm quyền, Triều Tiên ngày càng lộ rõ tham vọng hạt nhân hơn nữa. Vì vậy, giờ đây, thách thức đặt lên vai Tổng thống Trump càng nặng nề hơn nữa.

Khả Anh