Triều Tiên đang "mua" thời gian?

Thứ năm, 18/01/2018 11:15

Trong khi Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán với Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng cử phái đoàn tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng tới, các đồng minh của Seoul bày tỏ lo ngại Bình Nhưỡng có thể đang sử dụng các cuộc đàm phán để kéo dài thời gian nhằm theo đuổi chương trình vũ khí của nước này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng, việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông sắp tới sẽ giúp cải thiện quan hệ liên Triều.

Tích cực giả tạo?

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên diễn ra ở Vancouver (Canada), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Hàn Quốc không được tự mãn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy để mắt đến những động cơ của Triều Tiên khi tham gia vào các cuộc đàm phán mà nhiều người hoan nghênh là sự tan băng đáng kể nhất trong mối quan hệ liên Triều trong nhiều năm qua. "Tôi tin rằng Triều Tiên muốn "mua" thời gian để tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa", ông Kono cho biết. Ông khẳng định: "Đây không phải là lúc để giảm bớt áp lực đối với Triều Tiên".

John Park, Giám đốc Nhóm làm việc Hàn Quốc tại Trường Harvard Kennedy, cho rằng, các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hàn-Triều chỉ là sự tích cực giả tạo. "Cả hai miền Triều Tiên chủ yếu sử dụng các cuộc đàm phán với mục tiêu hạn chế là sắp xếp sự tham gia của phái đoàn Triều Tiên tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang", ông Park nói. Ông Park nhận định, nhiều nhà phân tích an ninh đang "trông đợi" Triều Tiên sẽ tiếp tục các hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân sau Thế vận hội.

Nhiều người phản đối cho rằng, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nồng nhiệt đón tiếp Triều Tiên tại Thế vận hội sẽ khiến Bình Nhưỡng có cơ hội để thể hiện và tỏa sáng mà không có bất kỳ nhượng bộ nào hoặc bất kỳ cuộc thảo luận nào về vấn đề mà cộng đồng quốc tế nhất quan tâm nhất: chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Tại Hội nghị về Triều Tiên đang diễn ra tại Vancouver, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng thừa nhận các cuộc đàm phán là bước đi quan trọng song còn nhiều thách thức nghiêm trọng phía trước.

Còn quá nhiều thách thức

Một số người hy vọng, các cuộc đàm phán liên Triều gần đây, bắt đầu với các chủ đề ít gây tranh cãi như thể thao, sẽ tạo ra một diễn đàn hoặc giúp nuôi dưỡng mối quan hệ để từ đó dẫn đến các cuộc đàm phán sâu rộng hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay cả khi quan hệ đang tan băng, Triều Tiên vẫn kiên quyết rằng các quả bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ luôn sẵn sàng. Khi các nhà đàm phán Hàn Quốc đề cập đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, các quan chức Triều Tiên lập tức nổi giận. "Việc Hàn Quốc đang nỗ lực hết sức để có được sự tham gia của chúng tôi vào Thế vận hội Mùa đông rõ ràng cho thấy âm mưu của họ là dẫn chúng tôi đến việc từ bỏ vũ khí hạt nhân", truyền thông nhà nước Triều Tiên cho hay.

Nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 17-1 chỉ trích gay gắt phát biểu mới nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, cho rằng đây là "những lời lẽ ngu ngốc và khó chịu". Bài viết với nhan đề "Cách hành xử không hợp lý dội nước lạnh vào đối thoại", trong đó có đoạn nhấn mạnh: "Chúng ta không bao giờ có thể bỏ qua các phát biểu của lãnh đạo Hàn Quốc xúc phạm đến chúng ta và công nhiên bóc trần ý định xấu xa trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vừa có bước đi đầu tiên hướng tới cải thiện quan hệ. Từng lời lẽ của ông Moon đều cho thấy rõ ý định thảm hại của ông ấy là tìm cách bợ đỡ Mỹ".

Triều Tiên cũng không ngừng đả kích Mỹ. Hôm 16-1, KCNA đã nhạo báng Tổng thống Donald Trump khi trích dẫn một bài đăng trên Twitter gần đây của ông, cho rằng đó là "sự thối rữa của một kẻ điên loạn".

Nhất trí tăng cường sức ép

Sau Hội nghị về Triều Tiên, các bên tham dự nhất trí sẽ tăng cường sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao cho một giải pháp lâu dài.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Christia Freeland nhấn mạnh, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đang là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia, do đó hội nghị nhất trí sẽ phối hợp hành động và tiến hành nhiều bước đi mạnh mẽ để ngăn chặn những cách thức gia tăng căng thẳng của Bình Nhưỡng. Mục tiêu chung mà các nước muốn hướng tới là giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua con đường hòa bình, mà trước mắt là tăng cường kiểm tra và giám sát hàng hải đối với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Mỹ cùng 19 nước đồng minh thân cận đã nhất trí sẽ có "các biện pháp ngăn chặn trên biển" nghiêm ngặt hơn để đề phòng Triều Tiên tránh né các lệnh trừng phạt thông qua việc buôn lậu. Ông Tillerson cũng khẳng định, đã đến lúc đối thoại với Triều Tiên, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng phải là bên đầu tiên ngỏ ý muốn đàm phán. Tuy nhiên, ông Tillerson từ chối bình luận về khả năng Washington sử dụng biện pháp quân sự.

AN BÌNH

Triều Tiên đề nghị đưa đoàn cổ vũ 230 người tham dự Thế vận hội

Triều Tiên ngày 17-1 đã đề nghị đưa đoàn cổ vũ gồm 230 người sang tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và sẽ sử dụng tuyến đường bộ cho phái đoàn của họ sang Hàn Quốc.

Đề nghị trên được phía Triều Tiên đưa ra tại cuộc hội đàm cấp chuyên viên giữa hai bên để thảo luận các chi tiết chính về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội. Ngoài ra, các bên còn thảo luận tổ chức một sự kiện văn hóa chung tại núi Kumgang ở Triều Tiên và khả năng sử dụng khu trượt tuyết Masikryong nằm ở bờ biển phía đông của Triều Tiên. Liên quan đến chuyến đi của phái đoàn, phía Triều Tiên đề nghị sử dụng tuyến đường bộ ở khu vực phía tây dẫn đến khu công nghiệp chung Kaesong hiện đang bị đóng cửa.

B.N