Triều Tiên kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh: Thông điệp hòa bình

Thứ hai, 10/09/2018 12:09

Triều Tiên đã kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (9-9) bằng một loạt hoạt động chào mừng, trong đó tiêu biểu là cuộc duyệt binh quy mô lớn trên quảng trường Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, họ không trình diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), vũ khí khiến cho Bình Nhưỡng hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế.

Xe tăng và máy bay xếp hình số 70 trong cuộc diễu binh. Ảnh: CNN/AFP

Từ tối 8-9, Triều Tiên bắt đầu các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh, với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Cung điện Kumsusan để viếng hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Một chương trình biểu diễn ca nhạc lớn tại sân vận động trong nhà Bình Nhưỡng, với sự có mặt của nhiều quan chức cấp cao chính phủ và phóng viên quốc tế, cũng đã được tổ chức vào tối cùng ngày.

Không trình diễn tên lửa ICBM

Tại các sự kiện như vậy ở Triều Tiên, những người trình diễn thường biểu diễn trước một màn hình lớn trình chiếu hình ảnh những thành công của nước này. Trong những năm gần đây, trên màn hình thường chiếu cảnh phóng tên lửa đạn đạo dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tuy nhiên, thay vì tên lửa, hình ảnh tại buổi hòa nhạc ngày 8-9 nêu bật những đặc trưng của Triều Tiên, từ núi Paektu linh thiêng đến đường chân trời Bình Nhưỡng, cũng như sự phát triển kinh tế, với những cảnh quay các nhà máy, nhà máy thép và những cánh đồng lúa mì rộng lớn. Chỉ có một vài phân đoạn nói về quân sự, với một vài thiết bị thông thường được trình chiếu. Sau đó, một thông điệp đã được đưa ra trên màn hình: "Sức mạnh quân sự đảm bảo hòa bình".

Ngay từ sáng 9-9, hàng trăm xe quân sự chở theo hàng nghìn binh sĩ đã xếp hàng dọc bờ sông ở Bình Nhưỡng. Một số quan chức cấp cao như Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư và Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko được xếp vị trí cạnh lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên lễ đài. Lễ diễu binh bắt đầu vào lúc 10 giờ (giờ địa phương) với sự tham dự của hàng chục nghìn binh sĩ và màn phô diễn các khí tài quân sự hiện đại như xe tăng Pokpung-ho, pháo tự hành cùng nhiều loại máy bay xếp thành số 70, tượng trưng cho 70 năm thành lập của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa tầm trung trong cuộc duyệt binh này. Tổ hợp vũ khí lớn nhất được trình diễn là tên lửa phòng không tầm xa KN-06, phiên bản sao chép dòng S-300 của Nga.

Thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa

Bình Nhưỡng dường như làm dịu đi cuộc diễu hành mà trước đây được sử dụng để thể hiện sức mạnh quân sự của nước này. "Các tên lửa lớn xuất hiện trong cuộc diễu hành là các thiết bị chiến trường tầm ngắn", AFP đưa tin từ Bình Nhưỡng. Trong cuộc diễu hành quân sự được tổ chức hồi tháng 2, kỷ niệm ngày thành lập quân đội, Triều Tiên phô trương các tên lửa ICBM, bao gồm Hwasong-15.

Cuộc diễu hành quân sự mới nhất của Triều Tiên được quốc tế theo dõi chặt chẽ giữa những lo ngại về các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân với Mỹ đang gặp bế tắc. Tại hội nghị thượng đỉnh tại Singapore vào tháng 6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hứa sẽ nỗ lực hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên để đổi lấy bảo đảm an ninh từ Mỹ. Hai nước cũng đồng ý xây dựng các mối quan hệ song phương mới góp phần vào hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tiếp theo trở nên khập khiễng vì hai nước mâu thuẫn với nhau về tốc độ và tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Sự không chắc chắn càng gia tăng, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy bỏ chuyến đi theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Triều Tiên hồi tháng trước, viện dẫn sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân hóa.

Trong bối cảnh đó, hai nhà lãnh đạo Hàn-Triều sẽ gặp nhau tại Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9 tới, tạo hy vọng có thể giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Trong cuộc họp với phái đoàn Hàn Quốc gần đây, ông Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn và bày tỏ hy vọng quá trình này sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, kết thúc vào đầu năm 2021.

Việc không triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa trong cuộc duyệt binh lần này dường như phát đi tín hiệu, Triều Tiên có thiện chí và chân thành trong nỗ lực phi hạt nhân hóa, cũng như cho thấy định hướng chú trọng vào phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của lãnh đạo Kim Jong-un trong thời gian tới.

AN BÌNH