Triều Tiên “nắn gân” tân Tổng thống Mỹ?

Thứ tư, 20/01/2021 13:33

Vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhậm chức, Kim Jong-un tuyên bố xây dựng kho vũ khí hạt nhân, gọi Mỹ là kẻ thù lớn nhất “bất kể ai nắm quyền”. Trong khi đó, các chuyên gia vũ khí cho biết, Triều Tiên dường như đang thực hiện các khâu chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhằm gia tăng sức ép đối với tân ông chủ Nhà Trắng.

Tên lửa Pukguksong-5, được Triều Tiên tuyên bố đây là tên lửa “mạnh nhất thế giới”, trong lễ duyệt binh hôm 14-1. Ảnh: KCNA

Chuẩn bị phóng tên lửa?

Hình ảnh và thông tin vệ tinh được thu thập từ một căn cứ hải quân ở thành phố cảng Nampo nằm trên bờ biển phía tây Triều Tiên cho thấy, các hoạt động chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa có thể đang được tiến hành. 

Hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar chụp vào ngày 31-12-2020 cho thấy các công việc đang thực hiện trên một sà lan chìm từng được sử dụng cho các vụ thử tên lửa phóng từ tàu ngầm trước đây, các chuyên gia vũ khí Jeffrey Lewis và David Schmerler, Trung tâm Nghiên cứu giải trừ vũ khí James Martin (California, Mỹ) cho biết. Kể từ tháng 11-2020, chiếc sà lan này đã được kéo từ nơi neo đậu tới một bến tàu gần đó - động thái bất thường cho thấy các quan chức Triều Tiên đang “chuẩn bị sử dụng chiếc sà lan cho một vụ phóng” trong tương lai gần.

Tăng cường sức mạnh hạt nhân

Hôm 14-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự lễ duyệt binh tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Tại lễ duyệt binh, quân đội Triều Tiên phô diễn những loại vũ khí mà truyền thông nước này cho là “mạnh nhất thế giới” như tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và nhiều loại rocket có khả năng tấn công mạnh mẽ. Ông Michael Elleman, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ cho biết, các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên có thể có phạm vi hoạt động hơn 3.000km. Điều này đồng nghĩa với việc chúng có khả năng vươn tới đảo Guam - vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ.

Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Kim tuyên bố Triều Tiên đang theo đuổi các loại vũ khí tinh vi mới trong các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, vũ khí hạt nhân chiến thuật và đầu đạn tiên tiến được thiết kế để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng Lao động Triều Tiên hôm 13-1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu rõ, ông sẽ thực hiện những “nỗ lực không mệt mỏi” nhằm tăng cường sức mạnh của quân đội Triều Tiên, mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Ông Kim Jong-un đã gọi Mỹ là “kẻ thù lớn nhất” và cho rằng chính sách thù địch của Washington với Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi bất kể người cầm quyền là ai.

Gửi thông điệp cứng rắn đến Mỹ

Giới phân tích nhận định, các kế hoạch của nhà lãnh đạo Triều Tiên, kể cả phô diễn tên lửa là những dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai của bất kỳ cuộc đàm phán giải trừ vũ khí nào giữa Bình Nhưỡng và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

Ông Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong của Hàn Quốc, chỉ ra rằng vấn đề phi hạt nhân hóa, một ưu tiên đối ngoại của các cường quốc với Triều Tiên, không được đề cập dù chỉ một lần. Điều này làm dấy lên lo ngại về triển vọng của tiến trình, ngay cả khi Washington và Bình Nhưỡng nối lại đàm phán dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.

Theo giới phân tích, bất cứ vụ thử tên lửa nào của Triều Tiên cũng sẽ là một vấn đề đau đầu với tân chính quyền Tổng thống Biden. Andrei Lankov, chuyên gia tại Đại học University ở Seoul cho biết, có những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang cảm thấy không hài lòng với tình hình hiện nay. Bình Nhưỡng lo ngại ông Biden có thể không trao cho họ những gì họ muốn và đặc biệt không quan tâm đến các cuộc đàm phán. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ông Biden từng dùng từ ngữ mạnh mẽ để chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đã có nhiều đồn đoán về việc chính quyền Biden có thể tái áp dụng học thuyết “kiên nhẫn chiến lược” mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã từng sử dụng, dù điều này không mang lại hiệu quả trong đối phó vấn đề hạt nhân Triều Tiên. “Về cơ bản, học thuyết này giả định rằng, một ngày nào đó, Triều Tiên sẽ không thể chống chịu được sức ép về kinh tế và chấp nhận nhượng bộ. Thế nhưng ông Kim Jong-un lại đang gửi đi thông điệp: Không có cơ hội, thưa ông Biden, điều này sẽ không xảy ra. Thay vì bị khuất phục, chúng tôi sẽ kiên cường đấu tranh”, chuyên gia Andrei Lankov nói.

AN BÌNH